Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 11 / Cảm nhận của em về bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương

Cảm nhận của em về bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương.

Bài làm

Nói tới cái tôi phong cách, người ta thường nghĩ ngay tới các nhà thơ Mới, “mơ màng” như Lưu Trọng Lư, “say” như Xuân Diệu hay “điên” như Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, đôi lúc tôi nghĩ nhiều hơn về thơ ca thời phong kiến xưa. Những Nguyễn Du, Tế Xương, Lí Bạch, Hồ Xuân Hương… cũng có cái tôi “điên” không kém. Trong số đó, tôi ấn tượng nhất với phong cách thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bài thơ “Tự tình” ẩn chứa một phong cách rất mới, rất độc, rất táo bạo.

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương sáng tác thơ bằng cả chữ Nôm và chữ Hán, trong đó mảng thơ Nôm là nổi bật hơn cả.

Hồ Xuân Hương được xem như hiện tượng đặc biệt mới mẻ của dòng thi ca cổ điển Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương dường như đã thoát khỏi niêm luật chặt chẽ của thơ Đường, bộc lộ bản lĩnh mạnh mẽ, phóng khoáng vượt ra khỏi khuôn khổ của lễ giáo phong kiến khắt khe.

Bài thơ “Tự tình” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú của thơ Đường luật. Bố cục một bài thơ thất ngôn bát cú truyền thống thường được chia gồm 4 phần: Đề, Thực (hoặc Trạng), Luận, Kết. Đề (mở đầu) giới thiệu đề tài; Thực (tả thực) đi sâu làm cụ thể hơn đề tài; Luận (bàn luận) là nêu ý kiến đánh giá hay cảm xúc suy ngẫm; còn Kết là sơ kết lại đề tài.

cam nhan cua em ve bai tho “tu tinh” cua ho xuan huong - Cảm nhận của em về bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương
Cảm nhận của em về bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương.

Hai câu đề dẫn vào khoảng không gian, thời gian đặc biệt:

“Canh khuya văng vẳng trống canh đồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Giữa lúc đêm khuya thanh vắng, tiếng trống canh điểm báo xa xa, một người phụ nữ ngồi đó sầu muộn về cuộc đời. Nhân vật chính trong thơ hiện lên với hai từ “hồng nhan” và “trơ”. Hồng nhan là từ dùng để chỉ người phụ nữ đẹp cả bề ngoài lẫn tâm hồn bên trong, cũng chỉ người phụ nữ đa sầu, đa cảm, nhạy cảm với mọi điểu trong cuộc sống. Người “hồng nhan” thường đi kèm với “bạc phận”. Thơ ca xưa nay đã có bao phận hồng nhan. Có nàng Kiều “sắc sảo mặt mà” trong thơ Nguyễn Trãi, có nàng Tiểu Thanh mang “án phong lưu” trong thơ Nguyễn Du. Họ mỗi người mỗi vẻ nhưng chung kiếp “bạc phận”. Từ “trơ” mang nghĩa là không biết xấu hổ. Người phụ nữ thời phong kiến có tài có sắc hóa ra lại là một sự xấu hổ.

Hai câu thực với nhịp thơ 4/3, ngôn từ giàu sức biểu tượng, thể hiện tâm trạng muộn phiền, dang dở, thất vọng của nhà thơ về cuộc đời.

“Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.”

Uống rượu dưới trăng là hình ảnh quen thuộc thường thấy trong thơ Đường. Nhưng cảnh tượng vốn quen thuộc ấy lại lạ lùng tới đáng kinh ngạc dưới dòng thơ Hồ Xuân Hương. Người con gái xuân sắc không phải đang uống rượu mà giống thưởng rượu hơn qua từ “hương đưa”. Làm gì có ai say “hương” rượu? Chỉ có lòng người tự muốn say mà thôi!

Dường như, người phụ nữ như rơi vào chuỗi triển miên, say rồi lại tỉnh. Cũng có thể hiểu người phụ nữ càng uống càng tỉnh. Nếu quả đúng thế thì bi kịch biết bao. Còn gì bi kịch hơn khi uống rượu để say mà cành uống càng tỉnh?

Còn trăng thì sao? Trăng thường biểu tượng cho cái tròn đầy, vĩnh hằng:

                   “Trăng cứ tròn vành vạnh”

                                                (“Ánh trăng” – Nguyễn Duy)

Trăng trong thơ Hồ Xuân Hương lại được miêu tả “bóng xế”, “khuyết chưa tròn”. Trăng như cùng chung số phận giống nhà thơ. Bản thân Hồ Xuân Hương cũng là phận “hồng nhan mệnh bạc”, từng “lỡ hai lần đò”, cuối cùng lại trải qua những ngày tháng dài làm vợ lẽ.

Hai câu luận là ẩn chứa sức phản kháng mãnh liệt của con người.

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Hai động từ mạnh được sử dụng là “xiên nagang” và “đâm toạc” bộc lộ trạng thái cảm xúc gần như mất kiểm soát. Loài rêu – loại thực vật nhỏ bé, mỏng manh nhưng có sức sống mãnh liệt. Đá – thứ đồ vật thô kệch nhưng bền chắc. Thực thể “rêu” và “đá” tượng trưng cho người phụ nữ đang vùng vẫy, muốn trỗi dậy đạp tan không gian, hủy hoại mọi thứ xung quanh mình. Đó cũng là sự phản kháng của con người giữa xã hôi phong kiến lạc hậu, áp đặt cường quyền lên người phụ nữ yếu ớt.

Cuối cùng hai câu kết lại trở về tâm trạng buồn phiền, chán trường. Vậy là có phản kháng quyết liệt tới đâu, người phụ nữ vẫn không thể thoát khỏi chế độ bất công đó. Sự phản kháng đi vào vô vọng. Hiện thực đau khổ lại hiện ra:

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Cứ hết mùa xuân này tới mùa xuân khác, tuổi thanh xuân đẹp đẽ của người vợ lẽ bị chôn vùi nơi lầu son gác tía. Chỉ có độc một “mảnh tình” thôi lại phải đem đi “san sẻ”. Không phải là ít ỏi hay tí xíu, mà là “tí con con”, tức là ít tới mức tối giản. Cái than thở khác với những thi sĩ khác:

“Tôi có chờ đợi ai đâu

Ai mang xuân đến gửi thêm sầu.”

(Chế Lan Viên)

Lời than vãn của nữ thi sĩ họ Hồ thẳng thắn, phóng túng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tóm lại, với thể thơ thất ngôn bát cú, sử dụng ngôn từ mới mẻ, hình ảnh độc đáo cho thấy xu hướng phá vỡ quy phạm Đường thi trong thơ Hồ Xuân Hương. Qua bài thơ “Tự tình”, nữ thi sĩ không chỉ nói lên số phận bấp bênh, chuân chuyên, phụ thuộc của người phụ nữ xưa mà còn phê phán xã hội đương thời thối nát, lạc hậu, bất công.

Hoài Lê

Check Also

bodethi img - Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *