Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 11 / Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Bài làm

Xuân Diệu được đánh giá là nhà thơ mới nhất trong số các nhà thơ Mới. Thơ Xuân Diệu không chỉ mới trong ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh mà còn mới ở cách cảm nhận thế giới thông qua nhãn quan vô cùng giàu sức sống. Bài thơ “Vội vàng” tiêu biểu cho phong cách và cái tôi cá nhân sâu sắc đó.

Xuân Diệu thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong phong trào thơ Mới 1930-1945. Cũng mang tâm thế của những con người trước Cách mạng, cô đơn, lạc lõng, tìm niềm vui với đời bên thiên nhiên mây trời nhưng Xuân Diệu đi theo chiều hướng quá tích cực giao cảm với tạo vật nên cái chất say mê, vội vã sống và tận hưởng rất rõ. Nhà thơ ý thức được sự “một đi không trở lại” của thời gian nên càng trở nên cuống quýt hơn. Bài thơ vội vàng chính là cái cuống quýt, vội vã đó. .

Bài thơ “Vội vàng” được rút ra từ tập “Thơ thơ” (1938). Bài thơ là mối giao cảm tuyệt đối của tuổi trẻ và xuân tình. Qua đó bộc lộ một cảm xúc rất triết học, một quan niệm nhân sinh mới mẻ.

Mở đầu bài thơ là bốn câu thơ ngũ ngôn như một lời khẳng định:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Hương thơm của các loài hoa, tiếng thở than giao mùa trong lá hay nhịp đập rạo rực, xao xuyến của trái tim tình yêu… tất cả ùa về vào thơ Xuân Diệu để làm nên con sóng tạo vật, con sóng cuộc đời ngày đêm vỗ nhịp. Xuân Diệu từng chia sẻ ông làm thơ là để được ở mãi với đời và luôn ước ao mình như phấn thông vàng bay khắp không gian, duy trì với thời gian để gieo rắc tình yêu đi khắp nơi nơi. Do đó, lời thơ mới có cái cảnh “tắt nắng” và “buộc gió”. Nhà thơ luôn đinh ninh rằng cuộc sống là tuyệt diệu nhưng mỏng manh quá nên phải cố níu giữ nó bằng mọi cách. “Nắng” và “gió” vốn là những hiện tượng của tự nhiên. Thi sĩ như đang truất quyền năng tạo hóa để kìm lại, giữ lại, đoạt lấy những gì là tinh túy, tuyệt mỹ nhất của cuộc đời. Điệp từ “tôi muốn” vừa là cái ước muốn cháy bỏng vừa là cái “tham lam” rất nhân văn của Xuân Diệu.

Một bức tranh đầy thiên nhiên đất trời xuân thì đầy thanh sắc, hương âm lồ lộ trước mắt độc giả như một thiên đường trên mặt đất:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”

Ơi cuộc đời sao lộng lẫy kì diệu đến thế! Dưới ánh mắt Xuân Diệu, cõi trần như hóa thành vườn yêu dạt dào tình xuân. Cấu trúc sóng đôi “Này đây” như khiến câu chữ, tạo vật cùng hòa vào vũ điệu mùa xuân. Một không gian rộng mở lấp lánh ánh sáng của cánh bướm rập rờn, của hương hoa đồng nội, của lá xanh dạt dào trong gió, của khúc ca “tình si” loài chim yến chim anh, của ánh sáng long lanh trên mi mắt của người thiếu nữ và cả tình yêu bác ái của “thần vui” đang reo rắc xuống nhân gian…. Dạo chơi trong khu vườn ấy, chợt ngỡ ngàng:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Bút pháp tương giao giữa vị giác – thị giác gợi cảm nhận trong người đọc về vị ngọt, hương thơm, độ tròn căng của làn môi tháng riêng. Tháng giêng giống như một bờ môi căng mộng của người con gái. Đây là quan niệm về cái đẹp hết sức tiên tiến.

 

phan tich bai tho voi vang cua xuan dieu - Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
Em hãy phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

Xuân Diệu không thể dấu được cảm xúc của mình:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hồi xuân”

Cái sự “sung sướng” ấy lại bị dấu chấm giữa dòng chặt đứt cảm xúc. Tác giả hạnh phúc quá, vì hạnh phúc quá nên mới sợ mất đi. Thế nên phải thật nhanh. Thật “vội vàng” để mà kịp tận hưởng cho hết những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống này.

Thế nhưng quy luật cuộc sống luôn có một chân lí bất biến mà chúng ta không thể nào làm khác được:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Và tôi xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Những câu thơ dài, ngậm ngùi tựa như tiếng thở than. Xuân Diệu quan niệm thời gian tuyến tính một đi không trở lại, vì thế nhà thơ nhận ra được hè về khi trời mới bắt đầu xuân, mới non thôi nhưng đã thấy trong nó sự già cỗi. Tuổi trẻ được đem ra làm thước đo với thời gian, không gian. Tuổi trẻ thì dạt dào phóng túng đấy nhưng “lượng trời cứ chật”, “không cho dài” tuổi trẻ. Những hình ảnh thơ đối lập kết hợp với những từ “nghĩa là” để khẳng định sự thật.

Và sự giục giã lại bắt đầu:

“Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”

Câu thơ như mời gọi cuống quýt. Và không còn cách nào khác ngoài việc ngay lúc này phải phô mọi giác quan ra để cảm nhận:

 “Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn diết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước và cây và cỏ rạng

 Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”

Mãnh liệt và cuồng nhiệt hơn, cái tôi nhỏ bé đã hòa vào cái “ta” chung. Khát khao dâng lên từ việc “muốn” thành “ôm”, “riết”, “say”, “thâu” và thậm chí là “cắn”. Những động từ mạnh ấy thể hiện sự chiếm lĩnh tuyệt đối. Để làm gì? Để “no nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy”. “Vội vàng” giống như một lời tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu.

Bài thơ “Vội vàng” là bức thông điệp thẩm mỹ: hãy yêu thương và hưởng thụ hạnh phúc trần thế, quý trọng tuổi thanh xuân, sống cao độ từng phút từng giây để không bỏ phí cuộc đời. Cũng bởi đó mà Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Cái tình trong thơ Xuân Diệu đạt tới đỉnh cao của sự lả lơi, ham muốn mãnh liệt được giao cảm với đời nên nhà thơ luôn sống vội vàng, cuống quýt, say mê cuồng nhiệt.

Hoài Lê

Check Also

bodethi img - Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *