Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 11 / Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm

Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm

Đề bài: Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội ngày nay.

Bài làm

Có lúc tôi đã tự hỏi: Nếu xã hội này thiếu đi tình thương bình thường nhất, nó sẽ tồn tại được mấy ngày? Trong xã hội ngày nay, đó không còn là một câu hỏi vu vơ nữa. Ngày đó hoàn toàn có thể đến nếu như chúng ta không ngăn chặn một thứ bệnh dịch thời công nghệ số – bệnh vô cảm.

Nếu hỏi một bác sĩ thuốc chữa Bệnh vô cảm là bệnh gì, chắc chắn họ sẽ trả lời theo kiến thức chuyên khoa rằng, không có loại bệnh này. Đúng, trong y học đây không phải là một loại bệnh, nhưng tính chất và hậu quả của nó còn nan giải hơn cả những căn bệnh thế kỉ như ung thư, HIV, nghiện hút… Nó là căn bệnh của hành xử, của lối sống và của tư tưởng.

Vô cảm là trạng thái trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, không có phản ứng… với những hiện tượng đời sống khách quan. Bệnh vô cảm là bệnh mà con người trở nên “máu lạnh” trước bất kì một biến cố, một vận động nào đó mà đáng ra thông thường phải có phản ứng trong xúc cảm hoặc trong hành động. Khi đó, con người chỉ sống và quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Do đó, vô cảm là chết từ trong tâm hồn con người.

Biểu hiện của bệnh vô cảm rất đa dạng và đôi lúc khó đoán định, vì nó còn diễn ra cả trong suy nghĩ của con người. Ra đường bắt gặp thời tiết đẹp mà không mảy may rung động; gặp chuyện tốt nhưng không ủng hộ, không thấy phấn khích; thấy người ta làm điều xấu, điều ác lại không dám lên án, chống lại; thấy người khác bị đau mà chỉ đứng nhìn; thấy người khó không giúp… là những biểu hiện nhỏ nhất của vô cảm.

Người ta có thể thản nhiên xúm lại, đứng xem cảnh một nhóm học sinh nữ đánh nhau, lột đồ, quay phim… như đang xem một vở kịch hành động. Người ta thản nhiên chia sẻ với nhau những câu chuyện về giết người, cướp bóc, tai nạn thảm khốc, hiếp dâm… nhưng chưa bao giờ kể nhau nghe về những tấm gương đạo đức, nhân ái. Nhìn cảnh chồng đánh đập vợ trên đường phố, người ta cũng mặc kệ, coi như chuyện “nhà người khác”.

nghi luan xa hoi ve benh vo cam - Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm

Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm

Tại sao họ lại chỉ đứng nhìn? Có nhiều lí do. Vì họ sợ liên lụy bản thân, vì không ai làm thế cả, vì đấy là chuyện thường tình…! Thật là những lí do đáng cười!

Những người mắc bệnh vô cảm có lẽ là sản phẩm “biến dị” của một xã hội văn minh “lệch lạc”. Vì thiếu kĩ năng sống nên người ta không biết cách ứng xử trước nỗi đau của người khác. Vì hệ thống công quyền còn thờ ơ trước khó khăn của người dân, vô tình để cho nhiều bộ phận tắc trách, kiếm lợi trên lòng tin và nỗi khó khăn của người dân.

Và vì thế, hậu quả của bệnh vô cảm khó mà lường trước. Nếu như trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng rất đơn lẻ, cá thể thì nay nó có chiều hướng lây lan dần trở thành một căn bệnh có tính xã hội, tính dây chuyền. Nếu không sớm chữa trị, vô cảm sẽ làm lung lay mọi nền tảng đạo đức, nảy sinh cái xấu, cái ác, xâm hại đến văn hóa truyền thống và hủy diệt tâm hồn con người. Trật tự xã hội tất yếu sẽ rối loạn. Trở lại câu hỏi ở phần đầu bài viết, ta có thể tự kết luận được lí do tại sao xã hội không thể tồn tại được.

Ông cha ta thường dạy rằng “Thương người như thể thương thân” là có lí do riêng. Nếu không có lòng trắc ẩn, con người chỉ biết đến những toan tính ích kỉ, cả xã hội sẽ bỏ qua những giá trị nhân văn nhất để rồi lừa lọc, bóc lột, áp bức, phân biệt đối xử… lên ngôi. Nhìn cái làng Vũ Đại ngày ấy mà xem, Nam Cao cho ta thấy những gì ngoài một thằng Chí Phèo bị xã hội quay lưng, quan quân áp bức khiến hắn méo mó cả nhân hình lẫn nhân tính. Khát khao được trở về làm người lương thiện của hắn không ai trân trọng, giúp đỡ. Hắn chết tức tưởi – cái chết vì sự vô cảm của xã hội.

Vậy, ta nên chữa trị căn bệnh không có thuốc chữa này như thế nào. Tôi tin rằng, mỗi chúng ta là một bác sĩ của bản thân. Người ta không thể biết hay hiểu suy nghĩ của bạn. Bạn hãy tự cứu lấy mình. Toa thuốc chung là tình thương. Bản thân mỗi người hãy tự vận dụng nó để áp vào hoàn cảnh của bản thân. Còn về phía nhà nước, phải xây dựng một xã hội có sức đề kháng cao, dựa trên các hoạt động tạo tích cực cho xã hội, quan tâm tới giáo dục, bồi dưỡng văn hóa truyền thống và tư tưởng vững vàng cho cán bộ, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú…

Gọi đây là căn bệnh “ung thư tâm hồn” cũng không phải là phóng đại. Trong xu thế toàn cầu hóa biến đổi như vũ bão cùng nền kinh tế thị trường nảy sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực mới có tính toàn cầu. Đó chính là bệnh vô cảm. Nước Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng nâng cao, tại sao căn bệnh này lại càng nặng hơn? Giàu không đồng nghĩa với đẹp. Để xây dựng một xã hội đẹp, có lẽ Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Hoài Lê

Check Also

bodethi img - Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *