Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Bài làm
Cảm nhận về bài thơ Đồng Chí – “Muôn trùng sở dĩ rạo rực vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tâm hồn rất bạn”. Một câu tuyên ngôn của ai đó đã lần nữa được khẳng định trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. “Những tâm hồn rất bạn” – đồng chí, đã được Chính Hữu xây nên thành những vần thơ muôn đời vẫn được bạn đọc yêu mến. Bài thơ là tiếng lòng và cũng là sự ngợi ca tình nghĩa của những anh bộ đội cụ Hồ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ.
Chính Hữu là người con của mảnh đất Hà Tĩnh cơ cực song giàu tinh thần vượt khó. Tuy sự nghiệp văn chương của Chính Hữu không dài và đồ sộ, song nhà thơ được coi là một trong những người rước ngọn cờ đầu cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu trích từ tập thơ “Đầu súng trăng treo” và cũng là bài thơ chủ đạo của cả tập thơ. Bài thơ ra đời vào năm 1948, sau khi Chính Hữu cùng đồng đội vừa trải qua chiến dịch Việt Bắc thu – đông lịch sử năm 1947. Bài thơ “Đồng chí” đề cập tới hình ảnh những người vệ quốc quân trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ là những người lính giàu tình nghĩa đồng chí, đồng đội.
Nhắc tới người lính, chắc hẳn chúng ta đều hình dung tới hình ảnh chàng Kinh Kha lâm trận với quyết tâm “một đi không trở lại”:
“Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”.
Người lính trong thơ Chính Hữu hiện lên chấn chất, thân thương:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua,
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Tôi với anh đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
Ở đoạn thơ đầu tiên, Chính Hữu nhắc đến cơ sở hình thành tình đồng chí giữa những người lính. Họ đến từ đâu? Đó là nơi “nước mặt đồng chua”. Đó là nơi làng quê “nghèo” “đất cày lên sỏi đá”. Những từ “nước mặn”, “đồng chua”, “nghèo”, “đất cày”, “sỏi đá” gợi ra cảnh thôn quê nghèo nàn, cằn cũi có những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm lam lũ. Vậy ra họ chỉ là những anh canh điền bên đồng ruộng, tay cày tay quốc.
Từ những nơi như thế, họ hội tụ về đây để làm gì? Họ cầm súng canh giữ biển rừng Tổ quốc. Họ đoàn kết chiến đấu cho quê hương. Và họ bên nhau, sưởi ấm bàn tay nhau trong chiếc chăn nhỏ. Hình ảnh “súng bên súng” và “đầu sát bên đầu” tạo nên hai động tác song hành, tuy hai mà như một.
Chủ thể trữ tình trong đoạn thơ có sự vận động thay đổi theo chiều hướng ngày càng xích gần, hòa hợp, bắt đầu từ tôi – anh “xa lạ”, không quen nhau thành người đồng nghiệp cùng chung nhiệm vụ, rồi thành người một nhà cùng chung giấc ngủ và rồi cao hơn là “tri kỉ” và đỉnh điểm là “đồng chí”. Phải, “đồng chí” – hai tiếng gọi thiêng liêng và trân quý nhất của người lính!
Nhắc tới hình ảnh người lính, ta cũng nhớ tới cảnh người thanh niên áo xanh bịn rịn chia tay quê nhà, mẹ già, người thương để lên đường thực hiện ý tưởng. Trong thơ Chính Hữu, người lính không phải là những:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Mà họ cũng chân chất như chính bản chất nông dân của họ:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Cũng cái tư thế “xếp” ấy nhưng người lính “xếp” gì? Mảnh ruộng – cơ nghiệp nông gia thì “anh” gửi bạn bè. Căn nhà vách đất đơn sơ, ọp ẹp lợp bằng vài tấp liếp trống huơ trống hoác, chẳng có vật gì giá trị anh bỏ lại “mặc kệ gió lung lay”. Anh làm “người ra đi đầu không ngoảnh lại” (Nguyễn Đình Thi) để cho “giếng nước” đầu làng, “gốc đa” già cuối xóm phải nhớ nhung!
Rời quê hương nghèo khó, người lính bước đến một không gian với cũng không kém phần khắc nghiệt:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Cái khắc nghiệt nơi “rừng thiêng nước độc” khiến ta rùng mình ớn lạnh. Bệnh sốt rét rừng hành trên thân thể người lính khiến họ lúc rét run khi lại nóng vã mồ hôi. Điều kiện vật chất không được đảm bảo. Chiếc áo “rách vai”, chiếc quần có “vài mảnh vá”, “chân không giày” khiến ta nhớ lại những câu thơ đầu xót xa trong bài thơ “Ngày về” của chính nhà thơ:
“Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
Ngay cả khi làm nhiệm vụ, họ cũng phải trải qua cái “buốt giá”, “sương muối” của rừng hoang. Nhưng ta khâm phục họ. Chính lúc này, niềm lạc quan trong nụ cười đùa, tình nghĩa trong những đôi bàn tay nắm chặt ủ ấm cho nhau mới thật thiêng liêng.
Và tất cả những gì lấp lánh, đẹp đẽ nhất hội tụ lại trong câu thơ cuối bài. Trăng tròn ở phía xa xa. Còn nơi đây cây súng vẫn chắc trên vai người lính. Hai hình ảnh hòa vào làm một trong bóng đêm rừng tạo nên sự lãng mạn tuyệt đối.
Tóm lại, bài thơ “Đồng chí” đã tạc vào lịch sử văn học Việt Nam hình tượng những người lính can trường, giàu tình nghĩa và đức hi sinh. Bài thơ thấm đẫm tình cảm thân thương, chân tình của tác giả với những người thanh niên đã cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc của tác giả.
Hoài Lê