Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Tỏ lòng” (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.
Bài làm
Cảm nhận về bài thơ Tỏ Lòng – Phạm Ngũ Lão (1255-1320) là một trong những danh tướng nổi tiếng vào thời Trần, văn võ toàn tài, là cánh tay đắc lực cho Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão đã đưa tinh thần yêu nước và chí khí thời đại vào các tác phẩm của mình như một cách thể hiện lí tưởng sống. Trong số các tác phẩm của Phạm Ngũ Lão, “Tỏ lòng” hay “Thuật hoài” thể hiện rõ ràng nhất điều đó:
“Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Thời Trần được biết đến là thời đại hưng thịnh nhất nhì trong lịch sử dân tộc. Dưới sự cai trị của Trần Quốc Tuấn, cả văn hóa, kinh tế, đời sống xã hội, chính trị đều rất phát triển. Phạm Ngũ Lão là vị tướng tài của triều đình nhà Trần, giúp vua Trần nhiều lần dẹp loạn, đánh đuổi giặc xâm lăng.
Bài thơ “Tỏ lòng” đã khắc họa một thời đại triều Trần tràn đầy hào khí Đông Á và cũng là sự tự vấn lòng mình của tác giả. Tấm lòng trung hiếu, chí khí nam nhi và cảm hứng yêu nước được thể hiện đậm nét trong bài thơ.
Bài thơ bắt đầu từ một cảnh tượng hiếm thấy:
“Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
(“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”)
Xưa kia hình ảnh tráng sĩ Kinh Kha vượt sông Dịch Thủy, uống rượu, làm thơ, cất lời cảm khái trước khi ra đi diệt vua Tần dũng mãnh, can trường, xông pha biết mấy:
“Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”.
Cảm hứng ấy nay ta lại bắt gặp trong “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. Chỉ có điều, Phạm Ngũ Lão thiên về hình tượng khối đoàn thể chứ không mang tính cá thể như trên.
Phạm Ngũ Lão đã tái hiện không khí của đoàn quân Sát Thát quyết chiến quyết thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Vẻ đẹp hùng dũng ấy thêm điệu nghệ hơn qua điệu “Hoành sóc” (“múa giáo”). Xưa nay đao kiếm vốn vô tình, là vật chết, vật nhuốm máu tanh. Với binh lính nhà Trần, cây giáo quen thuộc, được sử dụng thành thạo tới mức nhà nghề.
Từ “giang sơn” không chỉ nói về diện tích đất nước mà còn mang ý nghĩa chứa đựng cơ nghiệp ngàn đời của cha ông. Và cơ nghiệp ấy đã “kháp kỷ thu” (“trải qua hàng thế kỉ). Từ những ngày các vua Hùng lập nước, các thế hệ vua chúa giữ nước đến nay cơ nghiệp thu trong tầm tay triều Trần. Phạm Ngũ Lão như đang đứng nơi đỉnh cao của lí tưởng, phóng tầm mắt về lịch sử ngàn năm mà Nguyễn Trãi từng nhắc đến:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
(“Bình Ngô đại cáo”)
Quân đội nhà Trần còn được miêu tả mang khí thế mãnh thú “nuốt trôi trâu”. Tập thể binh lính như loài hổ – chúa tể muôn loài có sức mạnh nuốt trôi cả một con trâu mộng. Hình ảnh ẩn dụ này khiến ta nhớ tới mấy câu thơ của Trương Hán Siêu:
“Thuyền bè muôn đội
Tinh kì phấp phới
Tỳ hổ ba quân, giáo gươm sáng chói”.
Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn nhưng Phạm Ngũ Lão đã làm nổi bật hình tượng tập thể binh lính nhà Trần mang tầm vóc lịch sử, đẹp sắc sử thi, lộng lẫy giữa đất trời. Hơn nữa, hai câu thơ cũng cho thấy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của Phạm Ngũ Lão. Nhà thơ như đang khẳng định sức mạnh của quân ta trước kẻ thù hung bạo. Kẻ thù kia có mạnh tới đâu đi chăng nữa thì với khí thế này, tầm vóc này chúng sẽ phải khiếp sợ xin hàng. Có ai ngờ, một người xuất thân bình dị, ngồi đạn sọt mà lo việc nước, một vị dũng tướng anh minh cơ trí lại viết lên những vần thơ sâu sắc đến vậy.
Hai câu thơ sau, Phạm Ngũ Lão thể hiện nỗi “thẹn”:
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe thuyết Vũ Hầu)
Phạm Ngũ Lão nhấn mạnh tới lí tưởng về nghĩa vụ làm đấng nam nhi ở đời là phải biết cống hiến cho Tổ quốc. Tài năng, công lao và tấm lòng của Phạm Ngũ Lão trung với nước, hiếu với dân không ai phủ nhận được. Thế nhưng, bản thân Phạm Ngũ Lão suốt đời vẫn luôn canh cánh trong lòng một chữ “thẹn”. Những gì ông làm được cho dân, cho nước với ông vẫn chưa thể thỏa mãn được “chí làm trai”. Công danh là một món “nợ” lớn mà khi chết rồi ông vẫn vương vấn mãi vì chưa toại nguyện.
Phạm Ngũ Lão nhắc tới chuyện về Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) – một quân sư có mưu lược hơn người của Trung Hoa xưa. So sánh mình với Vũ Hầu, tác giả thấy “luống thẹn” vì mình còn quá kém cỏi và thiếu sót. Quả là một Phạm Ngũ Lão khiêm tốn, hiểu mình hiểu đời!
Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh cô đúc, ngôn từ ngắn gọn, chắc nịch, giọng thơ hùng hồn, vang vọng đã thể hiện thành công Hào khí Đông A lừng lẫy trong lịch sử dân tộc và tâm sự của một con người luôn khát khao phục vụ đất nước, nhân dân.
Đọc thơ Phạm Ngũ Lão, lòng tôi như vang vọng trở lại những câu thơ thần khi xưa:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(“Nam quốc sơn hà” – Lý Thường Kiệt)
Hoài Lê