Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên của An-đéc-xen.
Bài làm
Nếu như mỗi người dân Việt Nam từ khi sinh ra đã quen thuộc với những câu truyện cổ xưa như Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Thánh Gióng… thì người lại biết đến truyện ngắn “Cô bé bán diêm” như một bài thánh ca buồn về số phận con người. Nhân vật cô bé bán diêm trong tác phẩm là biểu tượng đẹp cho ước mơ, hoài bão, khát vọng vật chất và tình thương nhỏ bé của những con người có số phận bất hạnh trong xã hội thiếu vắng tình người.
An-đéc-xen (1805-1875) là một nhà văn người Đan Mạch. Đây là cái tên gắn liền với tuổi thơ của nhiều trẻ em trên thế giới. Ông viết lên nhiều câu truyện cổ tích đẹp, đem lại không ít nụ cười cho trẻ thơ như “Nàng tiên cá”, “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, “Chú vịt con xấu xí”… với phong cách sáng tác giản dị đan xen giữa mộng tưởng và hiện thực.
Tuy nhiên, trong số các tác phẩm của mình, nhà văn An-đéc-xen lại để lại câu chuyện buồn tạo nên niềm day dứt, băn khoăn về số phận một cô bé nghèo khổ thông qua truyện “Cô bé bán diêm”. Nhân vật cô bé bán diêm không chỉ là nhân vật chính mà còn là nhân vật gần như duy nhất xuất hiện trong tác phẩm, thay An-đéc-xen tuyên ngôn nhân quyền và ca ngợi tâm hồn con người.
Truyện “Cô bé bán diêm” kể về một cô bé mồ côi mẹ vừa lạnh vừa đói đi bán diêm trong đêm giao thừa rét mướt. Không dám về nhà vì sợ bố đánh nên cô bé ngồi nép vào một góc tường, khẽ quẹt que diêm sưởi ấm. Mỗi que diêm mang lại cho em một niềm vui nho nhỏ. Nhưng khi que diêm vụt tắt, ảo ảnh đó cũng tan biến. Cho đến cuối cùng, cô bé cũng như đã chết lịm dần trong giá rét lạnh căm.
Như vậy, ở nhân vật cô bé bán diêm tồn tại hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, cô bé bán diêm là người có số phận bất hạnh. Không chỉ mồ côi mẹ, người bà nội thân yêu nhất của cô bé cũng ra đi bỏ lại em với người cha bạo lực, nát rượu. Hàng ngày em phải đi bán diêm kiếm tiền đưa cho cha. Trong đêm mùa đông giá rét, nhà nhà quần tụ bên lò sưởi đón năm mới, cầu mong an vui, sung túc. Chỉ riêng mình cô bé lang thang trên con phố dài với cái đầu trần, đôi chân đi đất, bụng đói cồn cào, dáng người rầu rĩ đi bán những bao diêm. Chẳng ai quan tâm đến cô bé. Cô bé chịu nỗi đau bỏ rơi của xã hội. Đến Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao còn được người dân truyền tay nhau nuôi lớn, những cố bé trong truyện An-đéc-xen còn phải tự nuôi lớn mình. Cô bé đã cô độc biết bao nhiêu. Giống như Chí Phèo nói, bi kịch hơn cả đói rét và ốm đau ấy là sự cô độc. Thế rồi cô bé “ngồi nép trong một góc tường”, “thu đôi chân vào người”, quẹt từng que diêm nhỏ bé để sưởi ấm. Kết cục của cô bé bất hạnh ấy là gì? “Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm”, không ai biết chắc được chuyện gì xảy ra trong đêm hôm đó.
Thứ hai, cô bé bán diêm có những khát vọng rất đẹp trong sâu thẳm tâm hồn. Trước khi chết con người ta luôn mong muốn những điều rất thật. Mỗi que diêm quẹt lên mang theo những điều bình dị mà đáng yêu. Ánh sáng “lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt” của lò sưởi. Ánh sáng của ngọn lửa que diêm thứ hai rực lên như “tấm rèm bằng vải màu” với “Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay”. Que diêm thứ ba mang theo “Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong tủ hàng”. Que diêm thứ tư mang đến người bà ấm áp, hiền từ, tỏa ánh hào quang của thiên đường. Niềm khao khát được giải thoát của em dâng tràn. Cô bé quẹt hết cả hộp diêm để mong: “Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu”. Có lẽ, điều cần với em lúc này không phải ăn no hay mặc ấm mà là một tình thương.
Như Nam Cao quan niệm, cái mà con người ta thiếu chỉ là “một lòng tốt bình thường”. Khát vọng được đến bên bà, đến vùng trời mới ấm áp của cô bé bán diêm không phải là cách lựa chọn trốn chạy thực tế của nhà văn An-đéc-xen. Nhà văn người Đan Mạch phản ánh thực tại xã hội chạy theo đồng tiền, ích kỉ, chỉ quan tâm cá nhân, thiếu đi tình người. Khao khát đến với bà của cô bé bán diêm là khao khát được sống trong một xã hội giàu tình thương, sự bác ái, công bằng. “Thượng đế chí nhân… không từ chối” những con người cần một tình thương đầy đủ!
Như vậy, thông qua nhân vật cô bé bán diêm và cốt truyện có kịch tính, phong cách nghệ thuật cũng như tấm lòng nhân ái, nhân văn của nhà văn An-đéc-xen được bộc lộ sâu sắc. Xây dựng nhân vật cô bé bán diêm trong truyện ngắn cùng tên, An-đéc-xen muốn gửi gắm tới chúng ta một thông điệp – thông điệp về tình người.
Hoài Lê