Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 8 / Cảm nhận về nhân vật chị Dậu

Cảm nhận về nhân vật chị Dậu

Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật Chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, trích tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.

Bài làm

Cảm nhận về nhân vật chị Dậu – Lần đầu tiên tôi thấy được đời sống xã hội hiện thực thời kì thực dân phong kiến và bi kịch của người nông dân trước cách mạng được khắc họa toàn diện và sâu sắc đến như thế trong cùng một tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Nhân vật chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, trích tiểu thuyết “Tắt đèn” là đại diện cho tất thảy những uất ức, khổ đau và tính cách, tâm hồn của người phụ nữ nói riêng và người nông dân nói chung trong xã hội cũ.

Ngô Tất Tố (1893-1954) người làng Lộc Hà (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) là một con người đa tài, từng làm đủ mọi nghề như: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn… Trong sự nghiệp cầm bút, tiểu thuyết “Tắt đèn” là một trong số những tác phẩm thành công nhất của nhà văn Ngô Tất Tố. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” được trích từ chương XVIII trong cuốn tiểu thuyết, xoay quanh việc khắc họa chân dung nhân vật chị Dậu chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh đồng thời có lòng căm thù giặc sâu sắc, ẩn chứa sức mạnh phản kháng mãnh liệt. Chị Dậu là đại diện cho vẻ đẹp người phụ nữ nông dân Việt Nam xưa.

Ngô Tất Tố đã đặt nhân vật chị Dậu vào trong một hoàn cảnh đặc biệt, từ đó làm nổi bật nên các khía cạnh đặc trưng của nhân vật này. Đó là hoàn cảnh mà khi xưa là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình người Việt: những ngày nộp sưu. Gia đình chị Dậu cũng thuộc dạng nghèo nhất nhì trong hạng cùng đinh. Có cái nghèo nào, khổ nào bằng việc chị Dậu phải đứt ruột bán đi đứa con gái mới 7 tuổi, bán luôn cả đàn chó còn chưa mở mắt mà vẫn không đủ tiền sưu hay không? Phải bán đi cả con cái, có con đường nào cùng quẫn hơn? Như vậy, trước hết nhân vật chị Dậu được khắc họa điển hình cho số phận bị chà đạp, chèn ép tới cùng cực của người nông dân trước cách mạng.

Về phẩm chất, chị Dậu là người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Khi chồng bị đánh cho tới “sống dở chết dở” vì không đủ tiền sưu, chị Dậu nấu bát cháo loãng cho chồng ăn hồi sức. Chị Dậu cư xử với chồng vô cùng dịu dàng, ân cần, chu đáo. Đây cũng là nét đẹp điển hình của người phụ nữ Việt Nam.

cam nhan ve nhan vat chi dau - Cảm nhận về nhân vật chị Dậu

Cảm nhận về nhân vật chị Dậu

Tính cách và nội tâm mãnh liệt của chị Dậu được bộc lộ rõ nhất trong đoạn hội thoại đối đáp, giằng co giữa chị Dậu và bọn cai lệ, lính lí trưởng đến đòi bắt anh Dậu. Ban đầu, chị Dậu cũng tái mặt, giọng chị run run, tha thiết xin cho chồng. Thế nhưng, bọn cai lệ đã đáp lại chị bằng quả “bịch” vào ngực chị mấy bịch rồi sấn sổ tới trói anh Dậu. Chị Dậu chuyển sang dùng lí “chồng tôi đau ốm ông không được phép hành hạ”. Nhưng tên cai lệ đáp trả bằng một cái đánh bốp vào mặt chị Dậu, rồi nhảy vào cạnh anh Dậu. Có lẽ sức chịu đựng đã đến giới hạn. Giọt nước tràn ly. Chị Dậu nghiến hai hàm răng, tuyên bố: “Mày trói ngay chồng bà đi bà cho mày xem”. Chị Dậu xông tới túm cổ đẩy tên cai “ngã chổng quèo”, túm tóc mấy tên người nhà lí trưởng “lẳng” cho một cái “ngã nhào ra thềm”. Sự chuyển biến tinh tế trong tâm lí và hành động, lời nói, cử chỉ nhân vật từ nhún nhường, sợ sệt tới mãnh liệt, dứt khoát được Ngô Tất Tố thể hiện rất thành công. Đó là chị Dậu từ “run run” tới những hành động “túm”, “giật”, “lẳng”, “dúi”… Đó là từ đấu lí sang đấu sức. Đó là từ xưng “cháu” gọi “ông” thành “ông” – “tôi” rồi “bà”-“mày”. Vị thế của chị Dậu ngày càng được đẩy lên ngang hàng với bọn lính, cai.

Tóm lại, thông qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, nhân vật chị Dậu hiện lên vừa đau thương vừa cao đẹp, tiêu biểu cho phẩm chất người phụ nữ Việt Nam giàu nghị lực và đức hi sinh. Qua đó, Ngô Tất Tố muốn phê phán xã hội nửa thực dân phong kiến đã áp bức, bóc lột người nông dân tới cùng cực. Có lẽ, đoạn trích có thể thu gọn lại trong hai thành ngữ “tức nước vỡ bờ” và “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Hoài Lê

Check Also

hinh gai xinh hoc sinh de thuong 310x165 - Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *