Đề bài: Cảm nhận của em về người phụ nữ trong thơ ca xưa và nay.
Bài làm
Thần thoại Hi Lạp kể rằng: “Thượng đế đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn cong của loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa, nét mềm mại của loài lau cói, màu rực rỡ của nhị hoa, điệu nhẹ nhàng của chiếc lá… đem mọi thứ ấy hỗn hợp lại, nặn thành người phụ nữ.” Nghịch lí thay, người phụ nữ muôn đời vẫn phải chịu nỗi bất hạnh, đắng cay, tủi nhục của cuộc sống bon chen, đầy rẫy trái ngang. Dù là thuở sơ khai cho tới thời hiện đại, người phụ nữ vẫn phải chịu nhiều bất công và đi vào thơ ca như một nỗi ám ảnh trong mỗi người nghệ sĩ. Qua các tác phẩm văn học, cuộc đời, vẻ đẹp người phụ nữ hiện ra rõ ràng, sâu sắc và thiêng liêng hơn.
Hình tượng người phụ nữ được trở đi trở lại, xuyên suốt qua từng thời kì và là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ. Từ văn học cổ đại, trung đại, phong trào văn học hiện thực – lãng mạn, văn học cách mạng, văn học thời kì Đổi mới, thời hiện đại…; từ văn học dân gian đến văn học khoa học xã hội; từ chữ Hán, chữ Nôm tới chữ Quốc ngữ… hầu hết đều có bóng dáng của hình tượng người phụ nữ. Người phụ nữ trong văn học được phản ánh trong mỗi hoàn cảnh của mỗi thời kì khác nhau, song đều được thể hiện chung ở hai khía cạnh vẻ đẹp bề ngoài và vẻ đẹp tâm hồn. Vẻ đẹp của họ gắn liền với số phận hoặc đau thương hoặc cực khổ, lam lũ hoặc tàn tạ, xấu xí. Tuy nhiên, người phụ nữ luôn mang những vẻ đẹp khuất lấp mà chỉ có conn mắt đậm tính nhân đạo, nhân văn của các nhà văn, nhà thơ mới phát hiện ra được.
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Có lẽ đây được coi là câu thơ phát biểu khái quát nhất về thân phận người phụ nữ mà Nguyễn Du đã khẳng định. Từ đây, nhìn lại cả một nền văn học dân tộc, ta thấm thía hơn vẻ đẹp của người phụ nữ.
Trước hết, người phụ nữ Việt Nam cả xưa và nay đều luôn được tập trung khắc họa vẻ đẹp bên ngoài. Ta bắt đầu đến với thế giới phong kiến trong dáng hình nàng Vân, nàng Kiều của thơ Nguyễn Du:
“Đầu lòng hai ả tố nga”
Người phụ nữ xưa đoan trang, đài các, đẹp kiêu sa tựa ngọc ngà, mảnh dẻ tựa mai, yểu điệu tựa mây trời… Người phụ nữ đẹp rạng ngời sánh với thiên nhiên được thể hiện chủ yếu qua bút pháp khắc họa tượng trưng.
Cảm nhận về người phụ nữ xưa và nay
Ngay cả trong những câu thơ bình dị, mộc mạc, người phụ nữ vẫn mang vẻ đẹp của trăng sao thời chiến tranh ác liệt:
“Em là ai cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông”
(“Người con gái Việt Nam” – Tố Hữu)
Mặt khác, người phụ nữ trong văn học đôi khi cũng xấu xí, thô nháp vì cuộc sống mưu sinh vất vả. Khi miêu tả Thị Nở, Nam Cao đã tạc nên hình hài của một người phụ nữ “xấu lạ”: “Một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”, “Cái mặt thị thực là một sự mỉa mai của hóa công… hao hao như là mặt lợn… Cái mũi thị vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi…”. Có lẽ, Thị Nở là người đàn bà xấu xí nhất trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Song, họ đáng được trân trọng. Vì sao ư? Vì những điều họ phải trải qua và vì tâm hồn đẹp của họ.
Thật vậy, cái điều mà tất thảy các nhà văn, nhà thơ xưa nay đều bỏ không ít bút lực, bằng mồ hôi, máu và nước mắt để lột tả – đó là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Xem xét thời kì văn học hiện thực 1930 – 1945 với nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao vừa nhắc đến ở trên đây, ta sẽ thấy rõ. Thị Nở xấu, nhưng thi đẹp vì có lòng thương người tối thiểu mà cả cái lãng Vũ Đại “ngày ấy” không có. Chỉ có mình thị dám và đã cưu mang mảnh đời nhàu nhĩ – Chí Phèo. Tấm lòng đó thật đáng trân trọng.
Nhìn ngược dòng lịch sử, văn học trung đại xưa kia vẫn có những nàng Vũ Nương, nàng Thị Kính, nàng chinh phụ… thủy chung, son sắt, giàu đức hi sinh. Còn trong thơ ca kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hình ảnh người con gái đọng lại trong triết lí: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Họ cũng xông pha vào trận chiến dân tộc. Người phụ nữ ở hậu phương lao động sản xuất. Những nữ thanh niên xung phong lên đường Nam tiến. Họ mang tinh thần thép và lòng yêu nước nồng nàn.
Gắn với vẻ đẹp người phụ nữ chính là thân phận của họ. Thời trung đại là kiếp hồng nhan bạc mệnh. Thời kì thơ Mới, khi người phụ nữ được giải phóng khỏi lễ giáo phong kiến thì “mơ màng” giữa tình yêu, men tình, men đời. Còn tới khi chiến tranh nổ ra, người phụ nữ trẻ phải chịu kiếp chia li, tình yêu đứt đoạn còn người mẹ Việt Nam anh hùng khóc mờ hai mắt vì thương nhớ con trai…
Có lẽ, thân phận người phụ nữ không khi nào thôi chuân chuyên, bèo bọt, chìm nổi mà văn học dân gian không ít lần phản ánh:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Tóm lại, hình ảnh người phụ nữ trong văn học xưa và nay tuy có khác nhau mỗi thời điểm nhưng tất cả hội tụ tại phẩm chất và tâm hồn. Càng học thêm nhiều tác phẩm văn học, tôi càng yêu và trân trọng hơn người phụ nữ Việt Nam.
Hoài Lê