Đề bài: Em hãy phát biểu cảm nghĩ về cây phượng.
Bài làm
Biểu cảm về cây phượng – “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Câu hát trong bài “Phượng hồng” của nhạc sĩ Vũ Hoàng gợi nhắc chúng ta về một thời học sinh đẹp đẽ gắn liền với loài hoa học trò – hoa phượng đỏ.
Nhắc đến hoa phượng là chúng ta nghĩ ngay đến mùa hè, đến những ngày chia tay mái trường thân yêu và những người bạn đáng quý. Với tôi, kỉ niệm của những ngày tháng hồn nhiên đó gắn liền với cây phượng già nơi góc sân trường.
Khi những giọt mưa xuân đã không còn giăng mắc trên các ngọn cây, mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng chói trang xuống mặt đất, tiếng tu hú vọng về gọi hè sang thì cũng là lúc phượng bước vào mùa hoa nở.
Hầu như trong trường nào cũng trồng một vài gốc phượng. Phượng gần gũi, thân thuộc và gắn bó chặt chẽ với trường học. Do đó, nó mới có cái tên khác là hoa học trò.
Trường tôi cũng vậy. Trường tôi có 5 cây phượng, trong đó, cây phượng cạnh cổng trường là cây đặc biệt nhất vì nó được trông từ hồi thành lập trường đến nay, cũng khoảng gần 30 năm tuổi đời. Cứ hè về, cây phượng ấy khiến tôi bị thu hút rất nhiều. Mỗi sớm đi học, tôi đã có thể thấy tán phượng xanh ngắt cả một khoảng trời phía xa xa. Càng đến gần, phượng như mời gọi tôi bước tới thế giới của những bài học bổ ích và những người thầy, người bạn mến yêu. Thân phượng cao chừng 8m. Thiên nhiên đã “kiến thiết” tán cây phương đẹp một cách kì diệu, “ăn đứt” tất cả các cây phượng còn lại trong khuôn viên trường. Tán cây xòe tròn như chiếc ô xanh phủ lấy cổng trường.
Khi những tiếng ve đầu tiên cất tiếng kêu, những nụ phượng e ấp sau tán lá xanh bỗng bung nở khoe sắc đỏ thắm để cho học trò năm nào cũng bất ngờ bởi trong chốc lát phượng đã đỏ rực đầy sân tự khi nào. Hoa phượng to và đỏ rực nhất trong trường. Mỗi khi hoa phượng nở, từng chùm hoa như những đốm lửa đỏ rực cháy sáng trên nền trời. Quả phượng giống quả đỗ khổng lồ, lúc lỉu.
Phượng “giỏi” lắm. Phượng có thể thay đổi thích nghi với mọi loại thời tiết. Mùa đông phượng rụng lá để giảm thoát hơi nước, tích lũy sự sống. Xuân đến phượng đua với các loài cây khác, bắt đầu đâm chổi, nảy lộc. Hè sang, phượng ra hoa đỏ rực rỡ một vùng. Thu về phượng kết trái thơm. Cuối thu quả phượng khô lại, rụng dần để phát tán giống, rồi tiếp tục chuẩn bị cho mùa đông dài. Bốn mùa phượng thay đổi liên tục.
Với tuổi thơ tôi, phượng chiếm phần kí ức không nhỏ. Vào những ngày hè nắng như đổ lửa, phụ huynh học sinh thường đứng dưới tán phượng để chờ con em tan học rồi đón về. Dưới tán phượng, chúng tôi chơi đủ các trò từ đuổi bắt, nhảy dây, ô ăn quan, chắt chuyền đến ngồi thi nhau đọc thơ, hát đồng ca. Tôi nhớ những mùa hoa phượng rơi, phượng nhẹ nhàng thả từng cánh son của mình xuống sân trường tạo thành một cơn mưa phượng đỏ. Hương phượng man mác khắp không gian. Từng cánh phượng hồng rơi nhè nhẹ lên trang lưu bút như thay lời tiễn biệt. Suốt ba tháng hè dài đằng đẵng, không tiếng thầy cô giảng bài, không tiếng đọc bài của học sinh, không tiếng trống trường, phượng hẳn buồn biết bao nhiêu. Phượng sẽ nằm thở dài cùng hơi gió rồi tần ngần nhớ thầy, nhớ bạn. Phượng cũng như “bạn học sinh già” của chúng tôi, như “người học trò già” của các thầy các cô. Phượng chăm chú nghe giảng cùng chúng tôi, phượng rì rào tiếng lá như đang đọc bài, phượng cùng ve học hát nhạc bài “Dàn đồng ca mùa hạ”…. Phượng như một phần không thể thiếu trong mỗi chúng tôi.
Mỗi khi đi qua trường học nào đó có phượng, nhìn hoa phượng rơi mà lòng tôi lại chênh vênh một nỗi buồn nôn nao khó tả. Nó gợi về kỉ niệm ngày xa trường, xa bạn. Mỗi lớp học trò qua đi, một lớp học trò mới lại về, chỉ còn phượng ở lại bền bỉ, thủy chung, son sắt với mái trường giống như tình bạn, tình thầy trò của chúng tôi không bao giờ phai nhạt.
Hoài Lê