Đề bài: Biểu cảm của em về cây tre Việt Nam.
Bài làm
Biểu cảm về cây tre – Mỗi lần nhìn cây tre em lại nghĩ ngay tới hình ảnh con người lao động cần cù, ngay thẳng, giàu đức hi sinh. Từ bao đời nay cây tre gắn bó với con người và trở thành biểu tượng thiêng liêng cho sức sống và vẻ đẹp tâm hồn cao quý của con người Việt Nam.
Nguồn gốc cây tre Việt Nam không ai biết rõ bởi nó đã có từ rất lâu đời. Cây tre cùng họ với cây trúc, cây luồng, cây nứa, cây vầu, cây chông… Cây tre thân trụ tròn, mọc thẳng, có thể cao tới vài chục mét. Thân tre xanh bóng mượt, chia làm nhiều đốt, mỗi đốt khoảng 25-30 cm ở tre trưởng thành. Lá tre xanh dài, dẹt, dài khoảng cỡ ngón tay trỏ, khá sắc. Khi sờ lên mặt lá tre sẽ thấy rất thô nháp. Tre có tuổi thọ khoảng 50-70 năm, gần bằng một đời người. Tre ra hoa chỉ duy nhất một lần trong đời vào những năm tháng trước khi tre già cỗi và chết đi. Hoa tre màu trắng ngà, hương thanh thanh dịu nhẹ. Cây tre non được gọi là măng, mọc từ dưới gốc cây tre mẹ. Rễ tre thuộc loại rễ chùm, bám sâu và chắc vào đất, có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng tối đa ngay cả với đất sỏi, đất cát, đất bạc màu… và giữ đất rất tốt.
Cây tre ở Việt Nam vô cùng phổ biến và cống hiến cho con người tất cả những gì nó có. Con người sinh ra và lớn lên trong chiếc chõng tre, nôi tre rồi lớn lên bằng đôi đũa tre, thìa tre, gàu tre… Chiếc bàn tre ông ngồi pha trà đãi khách. Cái đóm tre bố hay châm thuốc. Chiếc rổ tre, rá tre mẹ rửa rau, vo gạo mỗi ngày. Cái thang tre bác hàng xóm dùng mỗi lần sửa mái ngói. Rồi lá tre có thể đem đun bếp. Nhìn quanh nhà nào là cột nhà từ thân tre, mái nhà lợp lá tre, kèo cột nhờ nan tre… Tre còn cho bóng mát. Mỗi chiều làm đồng về, các cô các chú lại ngồi dưới rặng tre nghỉ mát. Nhất là những ngày mất điện, các bà lại đưa cháu nhỏ ra rặng tre dọc hai bên ngõ để hóng gió, kể chuyện. Về các làng quê, nhìn đâu cũng thấy sự hiện hữu của cây tre.
Cây tre đã trở thành một phần của đất nước. Tre thủy chung đồng hành cùng con người từ những ngày khai hoang lập ấp. Thế nên từ xa xưa trên các di tích cổ đại đã trạm khắc hình ảnh cây tre quần tụ bên loài người. Tre hóa thân vào cả trong văn hóa dân gian, trong thi ca nhạc họa như một thể tài chưa bao giờ nhàm chán:
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc
Lá mong manh
Mà sao lên lũy lên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu…”
(“Tre xanh” – Nguyễn Duy)
Phát biểu cảm nghĩ của mình về cây tre, nhà văn Thép Mới có nói: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người! Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”… (“Cây tre Việt Nam”). Phải, cây tre còn gắn bó với con người Việt Nam trong thời đất nước còn loạn lạc. Người dân bao đời nay vẫn truyền tụng nhau câu truyện chàng Thánh Gióng nhổ bụi tre ngang đường làm vũ khí đánh tan quân xâm lăng. Rồi đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, cây tre lại là người đồng đội hỗ trợ đắc lực cho quân đội ta. Tre mọc thành lũy như bức tường thành kiên cố tạo nên chiến tuyến giúp quân ta cố thủ. Tre bao bọc, chở che lấy ngôi làng. Những gậy tre, chông tre, cung tên tre, cọc tre… là những vũ khí lợi hại để chống trả lại kẻ thù tàn bạo. Tre như vị anh hùng vĩ đại và tráng kiện bảo vệ đất nước và con người Việt Nam.
Cây tre cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp phẩm chất con người Việt Nam. Con người Việt Nam nổi bật với lòng dạ ngay thẳng như cây tre; cần cù, siêng năng, thích ứng giỏi như rễ tre; hoa tre nở cuối đời như những thành quả cao đẹp mà người Việt Nam tích lũy suốt cả cuộc đời… Có câu “Tre già măng mọc” ý nhắc nhở trẻ nhỏ chính là “tương lai” của đất nước, do đó phải uốn nắn, giáo dục tốt.
Phải, cây tre Việt Nam trong suy nghĩ của em là như vậy đó! Cây tre như là người bạn đáng tự hào và đáng học hỏi.
Hoài Lê