Đề bài: Biểu cảm về một người thân yêu của em.
Bài làm
Biểu cảm về người thân – Cuộc sống thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta có những người thân yêu bên cạnh. Chúng ta ai cũng có ba, có mẹ, có ông bà, có các anh chị em rồi thầy cô, bạn bè… Người thân yêu nhất của bạn là ai? Trả lời câu hỏi đó, em nghĩ rằng bản thân em sẽ chọn bố.
Có lẽ những trang thơ hay lời ca ưu ái những câu từ đẹp đẽ, trau chuốt hơn cho mẹ, nhưng em luôn tin rằng, tình cảm của ba cũng thiêng liêng và vĩ đại không kém. Tình thương của những người ba không trào dâng theo giọt nước mắt của mẹ mà nó hằn lên trên những đường gân của ba. Mẹ có thể dễ dàng khóc hay cười vì bạn nhưng ba thì khác. Mỗi người ba sẽ yêu con cái theo cách riêng của họ, nhưng chung một cách thể hiện đó là thầm lặng. Bố của em là người đàn ông như thế, tuy kiệm lời và lạnh lùng, nhưng em biết bố luôn dành cho em tất cả tình thương.
Người bố thân yêu của em năm nay ngoại tứ tuần với mái tóc muối tiêu già trước tuổi. Da bố sạm nắng thể hiện đúng khí chất của một người đàn ông từng trải. Cơ thể bố rắn chắc. Đặc biệt là hai bắp tay, bắp chân nổi cuộn mỗi khi bố gồng mình dùng sức. Tuy không còn sung sức và phong độ như mấy năm về trước nhưng bố vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát trong mọi việc.
Gia đình em khá đặc biệt. Mẹ em là người đi làm ăn xa nên thường xuyên vắng nhà. Bố lại là người bên cạnh em nhiều nhất. Em thương mẹ vất vả nhưng bố cũng vất vả không kém. Bố tuy ở nhà nhưng bận bịu vô cùng. Từ chuyện làm ăn tới chuyện nội trợ, bố đều đảm nhiệm. Hằng ngày bố đi làm thợ phu, đến bữa trưa bố lại vội vàng về nấu cơm trưa trước khi em đi học về. Cơm bố nấu bữa ngon bữa dở, nhưng em vẫn vui lắm. Mỗi lúc em khen bố nấu giỏi, bố không nói gì, mắt bố hấp háy cười. Em biết, được khen bố vui lắm.
Những ngày bé, khi ốm sốt lại vắng mẹ, em cứ mếu máo, khóc thút thít. Bố biết em tủi thân nên ôm em vào lòng, vỗ vỗ cánh tay giống như mẹ hay dỗ em ngủ. Bố còn hát ru nữa. Em chê bố hát ru chẳng hay như mẹ, thế là bố chuyển sang kể chuyện. Bố kể hết chuyện chị em Tấm Cám rồi sang chuyện cô bé Lọ Lem, chuyện nàng Bạch Tuyết… Ngày nào cũng kể mà bố cứ kể sai hoài. Mỗi khi bố kể sai em lại nhắc bố. Bố không nói gì cả, cứ tiếp tục kể… Những ngày tháng vắng mẹ cứ qua đi ngọt ngào như thế. Bố ít nói, ít cười nhưng sự quan tâm, săn sóc của bố dành cho em luôn dạt dào như thế.
Bố em là người ưa sạch sẽ, dù có thế nào thì bố cũng luôn giữ cho nhà cửa gọn gàng. Có lẽ, bố thương mẹ đi làm ăn xa vất vả nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để bất cứ khi nào mẹ về, mẹ sẽ thấy thoải mái. Mỗi khi em bày bừa đồ dùng học tập hay sách vở truyện tranh là bố lại mắng mỏ, yêu cầu em sắp xếp lại gọn gàng. Khi còn nhỏ, em vẫn trách bố khó tính, cứ quát mắng em hoài, không như mẹ chỉ ân cần nhắc nhở. Lớn rồi, em mới hiểu rằng nhờ sự dạy bảo, uốn nắn của bố mà em đã hình thành thói quen giữ gìn không gian sống sạch sẽ, ngăn nắp. Em thầm cảm ơn bố đã không nuông chiều làm “hư” em.
Với mọi người xung quanh, bố là “anh hàng xóm” tốt tính nhưng thẳng thắn. Thấy điều gì không hợp lí là bố sẽ nói ngay, nói thẳng. Bố bảo chú Tuấn hàng xóm không được chiều chuộng con cái quá, bố nhắc ông Bảo đối diện nên tỉa cây đều đặn… Sự thẳng thắn của bố đôi khi làm “mất lòng” nhiều người, nhưng ai nấy vẫn luôn tôn trọng bố vì điều đó. Bên cạnh đó, bố cũng có tiếng là người tốt bụng. Có thể giúp sức bố sẽ giúp sức. Không đủ sức bố sẽ giúp bằng cái tâm. Bố luôn khiến em thấy tự hào và đáng kính lắm!
“Cha thương con nhưng ba không nói
Mẹ thương con mẹ không giấu một lời”
Hai câu thơ nói đúng lắm! Người bố thân yêu, đáng kính của em đã dạy dỗ em thành người tốt. Cảm ơn bố vì bố đã là bố của em.
Hoài Lê