Đề bài: Cảm nhận của em về quê hương Việt Nam.
Bài làm
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc,
Nước gương trong soi tóc những hàng tre,
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè,
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”
(“Nhớ con sông quê hương”)
Tôi tin rằng, quê hương Tế Hanh cũng là quê hương chung của nhiều người trong chúng ta. Người Việt Nam chú trọng đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” thế nên quê hương như một phần máu thịt và tâm hồn thiêng liêng nhất. Nhắc đến quê hương, mỗi chúng ta không khỏi có niềm cảm xúc trào dâng.
Từ khi biết cắp sách đến trường, cô giáo thân thương đã dạy ta biết hình hài đất nước cong lượn hình chữ “S” đọc to thành hai tiếng “Việt Nam”. Dần dần, quê hương hiện lên trong những vần thơ của Đỗ Trung Quân, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Diềm, Anh Thơ…
Không ít lần ta tự hỏi:
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”
(“Bài học đầu cho con” – Đỗ Trung Quân)
Thế là trong đầu ta bỗng hiện lên hàng loạt những điều thân thương, bình dị nhất. Quê hương hiện lên trong đôi vai gầy của mẹ, cái lưng còng của bà, đôi chân trần của ba… Quê hương như dòng nước mát lành, mỗi chiều con tắm mát, ngụp lặn. Quê hương là con đường vàng rơm khô, thơm mùi đồng nội. Quê hương là triền đê xanh con thả diều phượng hoàng, diều sáo, diều cá mập… cao vút. Quê hương có vị mặn giọt mổ hôi, vị mát rặng tre, vị nồng hương lúa chín. Những chiều chăn trâu, quê hương là những người bạn thân thiết. Ôi bao điều nhỏ bé, bình dị mà dạt dào niềm yêu đến thế. Đó là tuổi thơ tươi đẹp của những đứa trẻ nông thôn.
Ở thành phố, quê hương của họ là gì. Là tòa cao ốc hùng tráng, là ô tô tấp nập, là sân chơi thể thao, là khu vui chơi, công viên, bảo tàng… Có lúc tôi ngưỡng mộ tuổi quê hương của những đứa trẻ là nơi có lăng Bác Hồ. Có khi tôi ngưỡng mộ bảo tàng quốc gia với bao đồ vật lưu giữ truyền thống ngàn năm của dân tộc. Nhìn về người miền biển, tôi háo hức được trải nghiệm quê hương của những đứa trẻ làng chài, mặn mùi muối biển những chuyến tàu ra khơi sóng vỗ. Quê hương quả thực rất đẹp, đẹp tự nhiên và chân thành. Ta trân trọng nó như một phần cuộc sống của ta.
Với những người con xa quê, họ càng ý thức được vai trò của quê hương. Hàng năm, ngày Tết, ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Rằm Trung thu… người dân từ muôn nơi đi “tha hương cầu thực” lại tìm cách trở về quê nhà bên gia đình và những người thân mến. Những người ở nước ngoài, không thể về thăm quê lúc nào cũng thèm một vài món ăn, cái không khí bình yên mà không nơi đâu có được ngoài quê hương.
Quê hương của chúng ta hôm nay ngày càng an yên, ấm no, sung túc. Có được điều ấy công lao lớn nhất là thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự đoàn kết của Đảng và nhân dân giành lấy bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Cha ông ta đã hi sinh tất cả để giành lấy, gìn giữ và xây dựng quê hương. Vai trò của chúng ta hôm nay là gánh vác sự nghiệp giữ vững và phát triển đất nước giàu mạnh hơn nữa. Để làm được điều này, bản thân thế hệ thanh niên phải đi đầu trong học tập và rèn luyện để có thể cống hiến hết mình cho đất nước. Mỗi người có quê hương riêng những chung một cái tên Việt Nam, do đó chúng ta cần đoàn kết một lòng, như vậy không gì là không thể.
Có câu ngạn ngữ thế này “Sự học không có quê hương những người có học không thể nào không có Tổ quốc”. Yêu quê hương, ghi nhớ cội nguồn dân tộc là điều cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất với mỗi con người. Yêu quê hương, hãy bắt đầu yêu những điều nhỏ nhặt nhất.
Ngẫm lại mới thấy yêu quê hương tôi biết bao. Nhờ có quê hương mà tôi lớn lên trong niềm vui sống dạt dào. Mai này dù đi đâu, làm đâu, tới những phương trời cao rộng tới đâu, tôi sẽ chỉ hướng trái tim này về quê hương mà thôi.
Hoài Lê