Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 12 / Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế

Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế

Đề bài: Em hãy bình luận về câu nói “Khách hàng là thượng đế”.

Bài làm

Từ trước tới nay, mỗi khi nhắc đến chuyện mua bán, trao đổi hàng hóa nói chung người ta thường có câu “Khách hàng là thượng đế”. Trong thời buổi kinh tế thị trường như ngày nay, một số người chưa nhận thức rõ ý nghĩa của nó khiến cho câu nói không còn hiểu đúng như lẽ vốn dĩ.

Câu nói trên liên quan trực tiếp tới các ngành nghề kinh tế nói chung, nhất là với những người làm dịch vụ. Khách hàng là những cá nhân hay tổ chức mà doanh nghiệp, các nhà kinh doanh đang hướng các nỗ lực vào khiến họ quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đó. Khách hàng là đối tượng được thừa hưởng các đặc tính và chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ. “Thượng” là cao, “đế” là vua. “Thượng đế” có thể tạm dịch nghĩa là vị vua ở trên cao, là từ dùng để gọi các nhân vật thần thánh khác nhau tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể, chỉ đến đấng tối cao và toàn năng. Câu nói có thể dịch là người sử dụng sản phẩm hay dịch vụ là những người có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong kinh doanh. Câu nói cũng là một trong những phương pháp, chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Tuy sự ví von khách hàng như những “thượng đế” có chút phóng đại, nhưng không hẳn không có lí. Trước hết, vai trò của khách hàng trong thực tiễn kinh doanh là rất quan trọng. Khánh hàng chính là đối tượng và cũng là mục tiêu của mọi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có tồn tại, phát triển được hay không là nhờ sự tiêu thụ của khách hàng đối với hàng hóa của doanh nghiệp.

binh luan ve cau noi khach hang la thuong de - Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế

Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế

Coi khách hàng là “thượng đế” giúp kinh doanh thuận lợi và có nhiều lợi nhuận hơn. Bán được chạy hàng hay không còn phụ thuộc vào khách hàng có chịu bỏ thời gian và tiền bạc cho sản phẩm của mình hay không. Nhờ có khách hàng mà doanh nghiệp mới có lợi nhuận từ sản phẩm. Thí dụ, ngày nay chúng ta vẫn nói đến dịch vụ tín dụng ngân hàng. Nhờ có người dân vay vốn, gửi tiết kiệm hay sử dụng dịch vụ chuyển tiền mà ngân hàng mới có lợi nhuận. Hay một lĩnh vực tưởng không liên quan, đó là giáo dục. Giáo dục ngày nay không còn là sự bắt buộc “thày dạy trò phải nghe” nữa mà học sinh, sinh viên có quyền được lựa chọn giáo viên dạy cho mình. Giáo viên nghiệp vụ cao, kiến thức tốt sẽ được học trò lựa chọn. Do đó, giáo viên đôi lúc cũng bông đùa: ngày nay học sinh kiến tạo nên giáo viên, nhờ có học sinh mà giáo viên mới được đứng trên giảng đường, mới không thất nghiệp.

Khiến cho khách hàng cảm thấy bản thân là thượng đế phải thông qua thái độ phục vụ tích cực. Nhân viên bán hàng phải biết tôn trọng, xưng “chúng tôi” và gọi là “quý khách”. Nhân viên cần ăn mặc lịch sự, nói năng chuẩn mực, nhẹ nhàng, thái độ chỉ bảo, quan tâm nhu cầu của khách. Sự tôn trọng còn ở chính những sản phẩm của doanh nghiệp. Sản phẩm không chỉ đảm bảo quy định về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh, tuổi thọ sản phẩm lâu dài mà còn mẫu mã bắt mắt, kỹ thuật sane xuất tiến bộ. Chỉ khi có thái độ phục vụ tốt, khách hàng mới thấy bản thân được ưu ái, chăm sóc.

Các doanh nghiệp Nhật Bản khá nổi trội trong việc coi “khách hàng là thượng đế”. Đối với người tiêu dùng Nhật Bản, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kì đâu, và bất kì lúc nào. Khách hàng nào không đủ tiền mua sản phẩm có thể mua trả góp, nếu quá bận rộn sẽ có người giao sản phẩm đến tận nhà, nếu không biết sử dụng, chỉ cần một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi hướng dẫn.

Nhưng đôi lúc, khách hàng chưa chắc đã là thượng đế. Tùy vào đối tượng khách hàng mà người kinh doanh phải ứng xử phù hợp. Bạn không thể coi những khách hàng không đủ tư cách làm “thượng đế” là thượng đế được. Đến một cửa hàng quần áo, những khách hàng chỉ xem cho “vui” hay hành động xảo trá, lươn lẹo giá cả… người kinh doanh không thể làm hài lòng họ được. Có những khách mua quá coi thường nhân viên, chê trách sản phẩm… chỉ là những khách hàng “tồi” mà thôi.

Hiện nay, dường như người bán hàng không còn quan tâm đến vấn đề uy tín của cửa hàng. Có những cửa hàng treo biển: “Khách hàng là thượng đế” nhưng chính họ cũng chưa hiểu hết nghĩa của câu nói trên. Những hiện tượng như chửi khách hàng, “bóp” giá sản phẩm, bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… ta luôn chứng kiến mỗi ngày. Có nhiều khách hàng bước vào cửa hàng thì được chào đón bằng nụ cười hớn hở, vui vẻ nhưng lại bị chửi rủa, chù ẻo nếu không chọn mua sản phẩm của chủ hàng. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì có nên đổi câu “Khách hàng là thượng đế” thành “chủ quầy là thượng đế” hay không?

Đối với sinh viên ra Hà Nội học tập hoặc người dân sống tại khu phố cổ đều biết đến những quán “bún chửi”. Những người đến đây ăn bún nếu không nhanh gọn hay linh hoạt rất có thể sẽ phải nghe một “bài ca”. Mọi người kéo nhau tới đó ăn vì tò mò, còn tôi thì cho rằng đó là hình ảnh xấu xí của người Việt, nhất là khi khách nước ngoài chứng kiến cảnh tượng đó.

Tóm lại, câu nói “Khách hàng là thượng đế” luôn là chiêu thức kinh doanh mà nhà kinh doanh thành công nào cũng “nằm lòng” trong tay.

Hoài Lê

Check Also

anh hot girl hoc sinh cap 3 8 310x165 - Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay (lớp 12)

Nghị luận xã hội về cách ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *