Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 7 / Cảm nhận của em về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương

Cảm nhận của em về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.

Bài làm

Số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến lạc hậu, cổ hủ đi vào thơ ca Việt Nam lúc nào cũng đầy xót xa. Nguyễn Du tiếc thương cho nàng Kiều “hồng nhan bạc phận”, Nguyễn Dữ trăn trở cho nỗi oan khuất nàng Vũ Nương, Tế Xương thương xót cho người vợ lận đận, nhọc nhằn… Tôi còn biết có một nữ thi sĩ tài hoa còn tự xót thương cho chính phận nữ nhân của mình, đó là Hồ Xuân Hương. Bài thơ “Bánh trôi nước” là tiếng lòng tự thương, và tiếc thương cho số phận người phụ nữ thời phong kiến đầy ngang trái:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Di tác của bà hoàn toàn là thơ, trong đó mảng Nôm là nổi bật hơn cả. Thơ Hồ Xuân Hương có sự mới mẻ riêng, thoát khỏi quan niệm sáng tác cố hữu của thơ Đường với niêm luật chặt chẽ để tiếng nói bênh vực cho người phụ nữ thời bấy giờ. Ý tưởng trong thơ Hồ Xuân Hương rất táo bạo, đây lại là điều cấm kị đối với lễ giáo đương thời. Vì vậy, Hồ Xuân Hương được xem như hiện tượng đặc biệt mới mẻ của dòng thi ca cổ điển Việt Nam.

Bài thơ “Bánh trôi nước” mượn hình ảnh chiếc bánh trôi để thế hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa. Những người phụ nữ đó tuy có thân phận nhỏ nhoi, bấp bênh, phụ thuộc nhưng vẫn giữ trọn phẩm giá của mình.

cam nhan cua em ve bai tho “banh troi nuoc” cua ho xuan huong - Cảm nhận của em về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương
Cảm nhận của em về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.

Hai câu thơ đầu tiên đậm chất ca dao dân ca:

 “Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non.”

Từ “thân em” được sử dụng khá nhiều trong ca dao dân gian truyền miệng

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ,biết vào tay ai?”

hay

“Thân em như miếng cau khô

Người thanh tham mỏng, kẻ thô tham dày.”

“Thân em” ca dao là tấm lụa hay miếng cau, còn “thân em” thơ Hồ Xuân Hương là bánh trôi nước. Tác giả không nhắc tới “thân em” là ai, nhưng ta nhận ra được ngay là bánh trôi nước nhờ sự miêu tả tài tình của nhà thơ. Từ “trắng”, “tròn”, “bảy nổi ba chìm”, “nước non” là những từ dùng để đặc tả bánh trôi nước.

Bánh trôi là thứ bánh quen thuộc, dân dã của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh được làm từ gạo nếp xay, nhào nặn thành viên tròn trắng. Nhân bánh làm bằng đường mật có vị ngọt, màu nâu đỏ Khi luộc bánh, viên bánh cứ nổi lên mặt nước tức là đã chín. Người xưa quan niệm đây là loại bánh mang tinh túy của đất trời, thường được làm để cúng tổ tiên.

Không những thế, bánh trôi ngon hay dở lại tùy vào tay nghề người nặn bánh:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

Cũng giống như thân phận bánh trôi, người phụ nữ Việt Nam xưa cũng mang vẻ đẹp tinh khiết, tròn đầy sức sống nhưng lại vô cùng chuân chuyên, chìm nổi, phụ thuộc. Bản thân Hồ Xuân Hương cũng được cưới gả từ rất sớm, nhưng “dẫu qua hai lần đò đều không viên mãn”. Vì thế bà thấu hiểu hơn ai hết thân phận “má hồng” tuy tài hoa nhưng “phận mỏng” của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Thời bấy giờ, người phụ nữ bị ràng buộc vào những định kiến “xuất gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, họ bị coi thường, khinh rẻ, không có tiếng nói, không có địa vị xã hội, thậm chí còn chẳng có chỗ đứng trong chính gia đình mình.

Song, người phụ nữ trong mắt Hồ Xuân Hương chưa bao giờ đánh mất đi vè đẹp tầm hồn vốn có:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Như chiếc bánh trôi nước dù có “rắn” hay “nát” nhưng vị ngọt thanh của nhân bánh không bao giờ thay đổi. Người phụ nữ cũng thế, dù có bao nhiêu sóng gió cuộc đời khiến họ tổn thương nhưng họ không bao giờ đánh mất tâm hồn thanh cao và sức sống mãnh liệt trong mình.

Tóm lại, bài thơ với thể thất ngôn tứ tuyệt được Việt hóa hoàn toàn, hàm súc, đa nghĩa cho thấy một hồn thơ Xuân Hương phóng túng, dạt dào. Cả bài thơ chỉ có 28 chữ song đã chứng tỏ quan điểm tiến bộ và tấm lòng nhân văn, nhân đạo sâu sắc của vị Chúa thơ Nôm xưa.

Hoài Lê

Check Also

7225 1494911290059 1017 310x165 - Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em

Tả về cô giáo mầm non của em Bài làm Chắc hẳn trong mỗi chúng …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *