Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Câu cá mùa thu” – Nguyễn Khuyến.
Bài làm
Mùa thu là một trong những đề tài tạo nhiều cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Trong số đó, bài thơ “Câu cá mùa thu” hay “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến khá nổi bật.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Nguyễn Khuyến (1835-1909) quê ở Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho. Từ nhỏ Nguyễn Khuyến đã nổi tiếng có tài, thông minh, học giỏi, từng đỗ đầu cả ba kì thi thi Hương, thi Hội và thi Đình. Dân gian thường gọi Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên Yên Đổ. Cụ Tam Nguyên từng làm quan dưới triều Nguyễn trong 10 năm, sau đó từ quan về ở ẩn khi giặc Pháp đô hộ. Suốt cả đời Nguyễn Khuyến hướng tới cuộc sống thanh cao, bình dị đông thời luôn nặng lòng yêu nước, thương dân. Ông thường làm thơ, vè, câu đối bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.
Bài thơ “Câu cá mùa thu” nằm trong chùm thơ thu Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Bài “Câu cá mùa thu” là Thu điếu, được sáng tác trong thời gian nhà thơ về ở ẩn tại quên nhà. Bài thơ vẽ lên bức tranh thiên nhiên làng cảnh Việt Nam bình dị, cũng chính là tiếng lòng yêu nước sâu kín của tác giả. Thông qua đó, Nguyễn Khuyến muốn phản ánh cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của nhân dân đồng thời lên án, tố cáo tầng lớp thống trị và bọn thực dân xâm lược phi nghĩa.
Đoạn thơ đầu tiên khắc họa không gian mặt ao cá. Ở đây tác giả đứng từ nhiều điểm nhìn khác nhau để miêu tả.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Ao thu được tiếp cận từ mặt nước. Mặt nước được miêu tả bẳng 4 từ: “lạnh lẽo”, “trong veo”, “sóng biếc” và “gợn tí”. Cảnh vật trên mặt ao gồm có một chiếc thuyền trôi và lá vàng rơi. Tất cả đều mang những nét vô cùng đặc trưng của mùa thu Bắc Bộ.
Nghệ thuật gieo vần của nhà thơ rất độc đáo. Nhà thơ gieo vần chân ở các câu 1, 2 và 3 đồng thời gieo vần lưng ở câu 1 và 3. Tuy nhiên, tất cả đều gieo bằng vần “eo”. Vần “eo” khiến ta có cảm giác ít ỏi, cô độc, lẻ loi. Kết hợp với đó là các từ “lạnh lẽo”, “gợn tí”, “một” càng làm tăng cảm giác cô độc. Từ đó, ta đọc vị được tâm trạng tác giả: giữa xã hội nhiễu nhương này, chỉ còn mình ta đi ngược với thời thế. Ta chợt nhớ tới câu thơ trong bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Tâm trạng của hai nhà thơ dường như có sự giao cắt, nút giao đó chính là nỗi cô đơn tuyệt đối.
Hai thơ tiếp theo tác giả lại đứng từ điểm nhìn không quan xung quanh hồ:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
Thiên nhiên quanh ao được đặc tả bởi màu “xanh ngắt” của bầu trời và “vắng teo” của ngõ trúc. Những đám mây tầng tầng lớp lớp trôi lững lờ in bóng xuống mặt hồ. Con đường đầy trúc dọc hai bên ngõ quanh co uốn khúc. Tới đây bỗng có một thực thể sống xuất hiện – “khách”. Thế nhưng, người khách không xác định ấy lại đi kèm từ “vắng teo”. Vần “eo” một lần nữa được sử dụng. Vậy là, không quan có thay đổi, điểm nhìn có khác đi nhưng kết luận vẫn là sự đơn độc tuyệt đối.
Hai câu thơ cuối có khuấy động:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Tác giả thôi không tìm kiếm sự chuyển động mà “tựa gối ôm cần”. Nhà thơ lặng lẽ thưởng thức cảnh sắc ao thu. Bỗng “cá đâu đớp động”. Sự chuyển động sống đầu tiên xuất hiện chớp nhoáng. Thế nhưng, từ “đâu” lại thể hiện trạng thái không xác định. Cũng giống như thực thể “khách”, “cá” cũng là thứ không thể xác định, mơ hồ và dễ vỡ. Đến đây, ta vẫn thấy tâm thế quen thuộc – tâm thế của con người cô đơn tuyệt đối.
Tóm lại cách gieo vần và nghệ thuật lấy động tả tính của thơ cổ phương Đông đã tạo nên nét đặc sắc riêng cho tác phẩm. Mặt khác, bài thơ rất uyển chuyển, linh hoạt trong vận động hình ảnh, âm thanh và màu sắc. Điểm nhìn tác giả thay đổi liên tục từ xa tới gần, từ hẹp tới rộng, từ mặt hồ, bầu trời, con ngõ rồi lại quay về mặt hồ. Nhờ đó, bức tranh thiên nhiên mùa thu rất thực, cũng rất thơ. Sau bức tranh thiên nhiên đó là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương sâu sắc của tác giả.
Bài thơ “Dậy lên thanh niên” của Tố Hữu có câu:
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?”
Có lẽ Nguyễn Khuyến đã chọn được “dòng nước” riêng cho mình, đó là con đường trở về với thiên nhiên, bỏ lại xã hội thực dân phong kiến độc tài để giữ vững tấm lòng yêu nước trinh nguyên. Bài thơ có lẽ không còn đơn thuần là chuyện câu cá nữa, mà bàn rộng hơn là chuyện người, chuyện đời.
Hoài Lê