Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 11 / Cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy

Cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.

Bài làm

Cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy – Người Việt Nam ít nhiều đều thuộc một vài câu thơ của Tố Hữu. Thơ Tố Hữu là tiếng lòng của nhân dân Việt Nam chiến đấu vì tự do, độc lập dân tộc. Đó là bài ca về lẽ sống, ân tình và niềm tin vào lí tưởng của Đảng. Bài thơ “Từ ấy” đánh dấu cho sự phát triển trong tư tưởng sống đúng đắn của nhà thơ.  

Tố Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho mẫu nhà văn – chiến sĩ, dùng ngòi bút của mình để phục vụ cách mạng mà khi xưa Nguyễn Đình Chiểu quan niệm:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

Thơ Tố Hữu được nhận xét là mang phong cách “trữ tình chính trị” và lúc nào cũng lấp lánh sáng ngời niềm tin, lí chí cao đẹp.

Bài thơ “Từ ấy” là một trong những bài thơ hay nhất, nổi bật nhất của con đường thơ ca Tố Hữu, được sáng tác vào giai đoạn đầu khi ông bước chân vào hàng ngũ của Đảng. Ghi lại thời khắc lịch sử khi được lí tưởng của Đảng soi sáng, Tố Hữu sáng tác bài thơ này như một lời “tuyên ngôn” quyết tâm đi theo Đảng và Bác Hồ.

Tiếng reo vui của người chiến sĩ được giác ngộ đáng yêu biết mấy:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim”

Bài thơ bắt đầu bằng hai chữ “Từ ấy”. Giải thích về từ này khá đơn giản. Từ ấy là thời điểm thiêng liêng mà nhà thơ nhận ra chân lí cách mạng vô sản đúng đắn của Đảng. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi là minh chứng cho đường lối đúng đắn ấy. Tố Hữu hăng hái tham gia vào hàng ngũ Đảng viên, được giáo dục tư tưởng và học tập con đường chính trị cách mạng.

cam nhan cua em ve bai tho tu ay - Cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy

Cảm nhận của em về bài thơ Từ ấy

Lúc nhà thơ nhận ra điều ấy, trong tim người tràn ngập ánh sáng và hơi ấm như những đêm đông dài bỗng “bừng nắng hạ”. Người chiến sĩ yêu nước sung sướng gặp được “mặt trời chân lí”. Ngưỡng cửa cuộc đời mới ở ra, Tố Hữu tự tin bước đến. Sau ngưỡng cửa, một không gian tươi sáng vô cùng mở ra:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

“Hồn tôi” là tâm hồn, tình cảm. Trong tâm hồn người làm sao lại có vườn, có hoa lá được? Tác giả đang ẩn dụ, rằng tâm hồn ông như khu vườn mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc non xanh. Mùa đông dài đã qua đi và mùa xuân của sự sống đã đến. Khu vườn ấy có hương sắc và có cả tiếng chim. Nhưng hương là hương “rất đậm” và tiếng chim là tiếng rất rộn ràng. Có thua kém gì “thiên đường mặt đất” mà xưa ta thấy trong thơ Xuân Diệu đâu?

Tâm hồn nhà thơ được giải phóng hoàn toàn, tự do hoàn toàn. Và tấm lòng rộng mở ấy còn đang tràn đầy tình yêu thương lớn lao:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”

Nếu như Xuân Diệu trong “Vội vàng” muốn được “tắt nắng” “buộc gió” thì đến Tố Hữu, ông cũng muốn “buộc”. Chỉ có điều, Tố Hữu mong muốn được giao hòa bằng tình cảm thân thương chứ không phải ép buộc một cách gượng gạo. Nhà thơ muôn được “trang trải”, được “gần gũi” với đồng bào muôn nơi, nối kết tất cả “hồn khổ” – người vô sản trên trái đất tạo nên một khối đoàn kết vững chắc mạnh. Quý biết mấy những khao khát được giao hòa với con người, được đem tình yêu đến với trái tim mọi người.

Cái tôi từ việc mong muốn trở thành một lẽ dĩ nhiên, cho phép hòa mình vào cái ta chung của cuộc đời:

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ.”

Trước Cách mạng, những nhà thơ Mới 1930 – 1945 gần như tách mình ra khỏi cuộc sống xô bồ, về bên thiên nhiên hoang sơ, làm bạn cùng mây trời, non nước. Bản thân Tố Hữu trước cách mạng có nói:

“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước

Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi”

Đến đây, tác giả đã tìm được “dòng nước” đúng cho mình, đó chính là Đảng cộng sản, là muôn dân. Nhà thơ thấy gia đình lớn của mình. Một gia đình đặc biệt có những “kiếp phôi pha”, “em nhỏ” tuy rằng trong cảnh “không áo cơm”, “cù bất cù bơ”. Điệp ngữ “là” như một sự khẳng định tuyệt đối. Các số từ “vạn” một lần nữa nhấn mạnh sự thật rằng tác giả đã thuộc về một khối hết sức đông đảo, không phân biệt già trẻ, nam nữ, bần hàn hay sang giàu.

Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu đã thay lời bày tỏ niềm yêu, niềm vui sướng của cả một thế hệ thanh niên khi tìm thấy lí tưởng của Đảng và cũng là lời nguyện chiến đấu hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Những ý thơ bay bổng, uyển chuyển nhưng chân thành, gần gũi đã tạo nên chất trữ tình thấm đượm. Mặt khác, chủ đề của bài thơ là chuyện cách mạng, là dấu son lịch sử, là chuyện quốc gia. Hòa quyện hai yếu tố ấy, cái tôi “trữ tình chính trị” xuất hiện như một phong cách riêng không lẫn của Tố Hữu với nhiều nhà thơ khác.

Ai đó đã nói “thơ nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian”. Ngày “từ ấy” đã qua đi gần thế kỉ nhưng nó vẫn là bài ca mà đời đời bạn đọc nhắc đến như một dấu son chói lọi, đáng tự hào.

Hoài Lê

Check Also

bodethi img - Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *