Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi.
Bài làm
Cảm nhận về bài thơ Cảnh Ngày Hè – Giữa thế cục xã hội phong kiến “đảo điên”, suy đồi, dân chúng lầm than, loạn lạc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn cách “nhàn” ngông ngạo còn đến với Nguyễn Trãi, nhà thơ chọn cho mình cách thưởng thức hương vị mùa hè để mà suy ngẫm sự đời. Bài thơ “Cảnh ngày hè”chứng minh tâm thế đó của Nguyễn Trãi.
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Nguyễn Trãi được mệnh danh là “đại thi hào của dân tộc”, là người mở đầu cho thời kì sáng tác thơ Nôm trong nền văn học Việt Nam. Bài thơ “Cảnh ngày hè” là một trong những bài thơ Nôm đặc sắc của Nguyễn Trãi, in trong tập “Quốc âm thi tập”. Bài thơ là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp độc đáo của bức tranh thiên nhiên ngày hè và tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước của tác giả.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” thuộc thể thơ thất ngôn đường luật. Tuy nhiên, tác giả lại chọn một câu thơ sáu chữ ở ngay đầu của bài thơ như một sự phá cách. Nguyễn Trãi đã gần như phá bỏ hoàn toàn niêm luật, kết cấu chặt chẽ của Đường thi, mở màn cho thơ Nôm “khuấy động” nghệ thuật văn học và cũng là sự phá cách trong nội dung, tư tưởng, tình cảm nhà thơ. Nhà thơ như đang muốn lật đổ hoàn toàn không gian và thời gian của một thời kì chỉ thấy dân đói, dân than. Đây cũng chính là nét phong cách khá nổi bật trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Chúng ta sẽ làm rõ thiên nhiên và tâm trạng nhà thơ đã tù túng, bế tắc thế nào và tự giải phóng mình ra sao trong những câu thơ.
“Rồi hóng mát thuở ngày trường”
Con người an nhàn bên bóng cây già mà “hóng mát” – cảnh tượng đặc trưng của mùa hè. Tác giả mở ra một không gian là vùng quê nghèo yên bình và thời gian là “ngày trường” – những ngày dài không dứt. Điểm đặc biệt ở từ “rồi”, nó cho thấy nhân vật trữ tình đang nghỉ ngơi, nhàn rỗi sau những ngày việc công bận bịu, tất bật. Đâu đó thoáng chút tâm sự rất thật của tác giả. Thời thế bấy giờ loạn lạc, muôn dân đói khổ, làm sao nhà thơ có thể nhà rỗi đây? Có lẽ, con người đã vô vọng trong công cuộc cải tạo chế độ, “tâm” có đấy nhưng “lực bất tòng”.
Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè
Tác giả miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên vừa chân thực vừa giàu biểu tượng:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.
Cảnh vật như bừng bừng sức sống với hoa hòe, hoa lựu, hoa sen – những hình ảnh rất đặc trưng của mùa hè. Cảnh vật như đang chuyển động. Cây hòe phát triển nhanh tới mức như đang “đùn đùn” ra tán cây. Những cây thạch lựu “phun” ra “thức đỏ” trên những bông hoa. Ao sen vươn mình tỏa hết mọi hương sắc mà nó có. Các động từ “đùn đùn”, “rợp giương”, “phun”, “tiễn” được cảm nhận bằng thị giác, khứu giác đã khắc họa thành công một khu vườn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ, sinh động hấp dẫn như bữa tiệc đầy đủ sắc vị. Qua đó, chân dung của một thi sĩ giàu lòng ham sống, khát khao giao cảm với thiên nhiên hiện lên – Nguyễn Trãi.
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.
Xen lẫn cảnh thiên nhiên là hoạt động sống quen thuộc của con người ở chợ cá. Ta chợt nhớ về bà Tú suốt đêm bì bõm nơi “quãng vắng” để mưu sinh trong thơ Tú Xương. Nhà thơ cũng đang nghĩ vậy chăng? Thế nên mới có cái chợ cá “lao xao”? Hơn nữa, tiếng “lao xao” cũng gợi về thời kì đất nước có biến, thường xuyên xảy ra đao binh… kết hợp với tiếng ve kêu lúc chiều tà nơi lầu gác khiến cho không gian càng ảm đạm, hiu hắt. Ngoài kia con người đang bon chen vì cuộc sống, còn tác giả nơi “lầu tịch dương” như loài ve hè cô độc kêu những tiếng mà đời chẳng bao giờ đoái hoài. Nhà thơ cô độc trên cõi đời, cô độc trên con đường “dắng dỏi” và cô độc trên chính mảnh đất quê nhà. Đây là bút pháp lấy động tả tĩnh thường thấy trong thơ Đường cổ.
Giọng thơ thay đổi từ thư thái, thanh thản pha sắc thái bất đắc dĩ, có phần chán ngán đến hứng khởi, phấn chấn và cuối cùng đọng lại rất triết lí:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Từ “Ngu cầm” gợi về thời vua Nghiêu, vua Thuấn nổi tiếng là thái bình thịnh trị. Đặc biệt vua Thuấn có riêng một khúc đàn “Nam Phong” để ngợi ca nhân gian giàu đủ, ấm no. Nguyễn Trãi đang khát khao, cái khát khao mà cả đời ông đeo đuổi nhưng không thực hiện được. Đó là được ca khúc ca thái bình. Thế nhưng, thực tại không cho phép. Dân đâu có no, nước đâu có giàu. Nhà thơ nhìn lại cả một thời đại, chỉ thấy là là tiếng “đòi”, tiếng than khóc khắp bốn phương trời. Vậy mong ước ấy bao giờ mới có thể thực hiện đây?
Tóm lại, bài thơ “Cảnh ngày hè” nói về thiên nhiên nhưng thực chất lại là nỗi niềm tâm sự sâu kín của Nguyễn Trãi. Nhà thơ đã là người thiên cổ, nhưng những câu hỏi mà nhà thơ đặt ra cho hậu thế vẫn luôn được con người bàn luận.
Hoài Lê