Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” của Cao Bá Quát.
Bài làm
“Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”.
Hai câu thơ trên khiến ta nghĩ ngay tới một văn tài nổi tiếng thế kỉ XIX – Cao Bá Quát. Cao Bá Quát không chỉ là một quan tướng kiêu bạc, dũng cảm mà còn nổi tiếng tài văn chương hơn người. Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là một tác phẩm tiêu biểu cho cả phong cách thơ ca lẫn phong cách làm người của Cao Bá Quát.
Cao Bá Quát tự Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, Cúc Đường, là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ XIX của lịch sử văn học Việt Nam. Ông là người có bản lĩnh, có cá tính lại học rộng tài cao, do đó trong triều Nguyễn rất nhiều quan lại, đố kị, ghen ghét và không được trọng dụng giữa nền chính sự suy đồi. Do đó, ông gửi nỗi niềm vào thơ ca. Thơ Cao Bá Quát thiên về khuynh hướng phản kháng, phẫn uất, chán nản.
Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” biểu lộ sự chán ghét cũa một người trí thức đối với con đường danh lợi tầm thường trong xã hội đương thời và niềm khao khát thay đổi cuộc sống thực tại.
“Bãi cát lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi.”
Bài thơ bắt đầu bằng cụm từ “bãi cát” được lặp lại hai lần trong cùng một câu thơ nhấn mạnh không gian muôn trùng hết đoạn này tới đoạn khác nối tiếp nhau. Bãi cát là hình ảnh tả thực nhưng cũng có ý tượng trưng cho không gian sống khó khăn, trắc trở. Không những thế, muốn đi trên cát cũng rất khó. Mỗi bước chân qua, cát sẽ lún xuống một đoạn, nên con người đi trên cát thường có cảm giác như bị trượt lùi. Cụm từ “đi một bước” rồi lại lặp lại “một bước” tạo thế tác giả đang đếm từng bước chân một, nặng nề, khó nhọc. Nhìn về bên kia chân trời, mặt trời dần xuống nhưng hành trình của con người vẫn phải tiếp tục. Tác giả ẩn mình dưới hình ảnh “lữ khách” nhìn con đường mịt mù mà tự dưng nước mắt cứ trào ra để nói lên sự nhỏ bé, cô độc, chán nản, bất mãn trên con đường công danh. Xưa nay người quân tử vốn không rơi lệ, vì nó thể hiện sự hèn yếu. Cao Bá Quát lại càng không phải con người như vậy. Mặt khác, người ta thường nói anh hùng không khóc cho người, người anh hùng thật sự chỉ rơi lệ vì người khác. Giọt nước mắt trong bài thơ là giotj nước mắt của nỗi uất hận, sự bất mãn về một triều đình suy đồi, mục nát khiến nhân dân lầm than nhưng kẻ trí thức như tác giả lại không thể làm được gì. Thế mới thấy tấm lòng chính trực, nhân ái của tác giả.
Đoạn thơ tiếp theo sẽ thấy rõ hơn tâm trạng nhà thơ:
“Không học được tiên ông phép ngủ.
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời
Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số tỉnh bao người?”
Người lữ khách muốn được như “tiên ông” không màng sự đời, sự người mà chìm vào sự yên bình bằng giấc ngủ nhưng kết quả thì “không học được”. Không thể trốn tránh, người lữ khách phải tiếp tục con đường. Giọng thơ có thiên hướng chiêm nghiệm. Nhà thơ nghĩ về những “phường” chạy theo công danh lợi lộc một cách “tất tả”. Từ “tất tả” rất có tác dụng gợi hình. Những kẻ như thế cũng như những tên sâu rượu, cứ nghe hơi men là xúm lại. “Quán rượu” ở đây tượng trưng cho những thứ của cải vật chất luôn có ma lực thu hút người trong chốn quan trường.
“Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? đường bằng mờ mịt
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta khát khúc đường cùng”
Một lần nữa hình ảnh “bãi cát” lại xuất hiện và lặp lại như một trường ca dài. Trong trường ca ấy, có bao mâu thuẫn, băn khoăn, day dứt. Nhà thơ đang tự hỏi, “Tính sao đây?”, Có nên đi tiếp hay là dừng lại? Con đường “mờ mịt” quá rồi, mai đây còn biết bao nhiêu thứ “ghê sợ” khác nữa, phải làm thế nào đây? Nếu cứ đi tiếp, cũng không biết phải đi như thế nào? Và rồi nhà thơ nhận ra mình đã đi tới “đường cùng”. Khúc ca về “đường cùng” sao mà xót xa quá, tuyệt vọng quá!
“Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?”
Một bức tranh điệp điệp trùng trùng những gian nan hiện ra. Nhìn hướng Bắc thấy “núi muôn trùng”, nhìn phía Nam thì “sóng dào dạt”, phải làm thế nào đây? Nhịp thơ 4/3 trong đoạn thơ tạo thành từng đợt từng đợt như là bão cát, như là núi cao, như là bão biển. Gọi phía Bắc, rồi lại gọi phía Nam, hết cát sa mạc đến núi trên cao, biển phía dưới…. như bủa vây tứ phía lấy con người. Rốt cục, con người chỉ còn biết “đứng” lặng người trên bãi cát rộng. Bước tiếp không được, dừng lại không song, con người cứ đứng đó rồi tự vấn. Cái tự vấn ấy giống cái tự vấn của Tố Hữu:

“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi”
Tóm lại bài thơ “Bài ca ngắn đi trên cát” là một cuộc đối thoại, có lúc lại độc thoại, thể hiện những tâm trạng khác nhau của Cao Bá Quát. Bằng những hình ảnh giàu sức biểu tượng, bài thơ đã cho thấy sự chán ghét của một người trí thức đầy hoài bão đối với con đường danh lợi và những kẻ quan lại tham lam trong triều Nguyễn mục nát bấy giờ.
Hoài Lê