Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 11 / Cảm nhận về bài thơ Thương vợ

Cảm nhận về bài thơ Thương vợ

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương.

Bài làm

Cảm nhận về bài thơ Thương vợ – Ít có nhà thơ nào thời trung đại dám viết về người vợ và viết một cách rất sâu sắc được như Tú Xương. Với bài thơ “Thương vợ”, Tú Xương gần như đã đi ngược lại nội dung phản ánh của thơ ca xưa. Không bàn chuyện nam nhi, chuyện thế sự, chuyện công danh, Tú Xương viết về người vợ – bà Tú bằng những tình cảm trân trọng nhất. Qua đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ và tự phê phán kẻ có học nhưng “vô dụng” ở đời.

Tú Xương là một trí thức có tài nhưng con đường học hành, thi cử lận đận. Tám lần lên Kinh ứng thí, ông chỉ đỗ chức Tú Tài. Sau, ông về quê mở lớp dạy học và sáng tác thơ ca. Trong gia đình, mọi việc dồn cả vào tay bà Tú. Vì vậy, Tú Xương viết lên bài thơ “Thương vợ” bằng tình thương yêu nồng hậu đối với người vợ hiền thảo cũng như là lời tâm sự về thế sự của mình.

Bà Tú vốn là “con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”, những tưởng gả cho ông Tú sẽ được thảnh thơi nhưng cuối cùng vẫn phải lao vào cuộc sống mưu sinh tăm tối:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông”

Công việc của bà Tú là buôn bán, trong không gian “mom sông” và quãng thời gian “quanh năm”. Ta chợt nhớ về nàng Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Mị bị ép phải làm việc quanh năm. Hết nhặt đay, hái bông, kéo sợi, dệt vải, xách nước, chẻ củi, giặt giũ rồi làm nương, tra ngô, bẻ bắp… cứ từ năm này qua năm khác, quanh năm suốt tháng, suốt đời như thế. Vì vậy, từ “quanh năm” ở đây tạo nên một guồng quay công việc không dứt, không ngơi nghỉ.

“mom sông” là mảnh đất nhô ra, chòi ra giữa bề là sông nước, nó gợi lên cái chòng chành, chấp chới của không gian bờ sâu, nước đục. Làm việc nơi đầu sóng ngọn gió đầy nguy nan, hiểm ác liệu bà Tú có được yên ổn làm ăn?

cam nhan ve bai tho thuong vo - Cảm nhận về bài thơ Thương vợ

Cảm nhận về bài thơ Thương vợ

Ấy vậy mà bà Tú bằng nghề buôn bán ấy phải:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”

Tác giả rất tài tình khi tạo thế cân xứng giữa hai đơn vị đo “năm” và “một”. Bà Tú đang gánh trên vai cuộc sống của một bên là năm đứa con thơ, còn vai kia là người chồng. Điều đáng nói là, người chồng nặng bằng cả năm đứa con. Con cái vốn đã là gánh nặng. Vậy bà Tú đã vất vả đến nhường nào? Câu thơ cho thấy nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của bà Tú tăng lên theo cấp số nhân.

Thế mà bà Tú “giỏi” quá, vẫn có thể “nuôi đủ”. Đủ tức là không thừa, không thiếu. Bà Tú có lẽ là một người phụ nữ giỏi làm ăn, xốc vác. Ngược lại, nhà thơ tự châm biếm bản thân vô dụng, gần như “bám váy vợ”, không xứng là trụ cột gia đình. Bà Tú càng vất vả bao nhiêu thì sự tự trách của tác giả lại càng nhiều bấy nhiêu.

Hai câu thơ tiếp theo mang âm hưởng của những câu ca dao xưa, khắc họa đậm nhất sự “hiểm nghèo” trong công việc mà bà Tú làm:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Hình ảnh con cò quen thường được ví như thân phận nhọc nhằn, vất vả, nhỏ bé của người nông dân:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”

“Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Không còn là một bà Tú buôn bán nơi “mom sông” mà là một bà Tú đang “lặn lội” và thời điểm đêm lạnh trong không gian “quãng vắng”. “Quãng vắng” gợi lên những bờ ruộng, bờ ao đầy bùn lội, lác đác hố sâu vừa khắc nghiệt, vừa nguy hiểm. Nếu không may, bà Tú cũng sẽ rơi vào cảnh “đậu phải cành mềm” như loài cò. Vẫn là một không gian làm việc đầy hiểm nguy rình rập.

Tiếp tục, bà Tú lại xuất hiện trong không gian “buổi dò đôn”, nơi “mặt nước” và tiếng “eo sèo” tranh mua tranh bán, kì kèo, cãi vã. “buổi đò đông” ám chỉ thời cuộc khó khăn, hỗn tạp bấy giờ. Chưa bao giờ ta thấy bà Tú thảnh thơi.

Tú Xương tiếp tục thể hiện chân dung bà Tú biết cam chịu, giàu đức hi sinh:

“Một duyên hai nợ, âu đành phận

Năm nắng mười mưa, dám quản công”

Hai câu thơ đậm màu sắc dân gian thông qua các cụm từ “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa”. Ở đây, cái “duyên” gấp đôi cái “nợ” và không còn là “một nắng hai sương” mà gấp lên mười lần. Thế nhưng, bà Tú không oán thán, than trách mà chấp nhận như là số mệnh. Đức hi sinh của bà Tú cao cả biết mấy!

Hai câu kết sự tự trách của tác giả đạt tới đỉnh điểm, bộc phát thành tiếng chửi:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Tú Xương mượn tiếng chửi chợ búa để mắng “thói đời” sống với nhau sao mà bạc bẽo, ác độc quá. Nhà thơ cũng bạc bẽo với vợ quá, cũng chỉ là ông chồng “hờ”, có cho oai.

Vậy là, tưởng chỉ nói chuyện bà Tú, chuyện day dứt của ông chồng vô dụng, nhưng kì thực bài thơ “Thương vợ” đã nâng lên tầm thế sự. Đó chính là nỗi đau thất thế của người trí thức trước xã hội loạn lạc.

Hoài Lê

Check Also

bodethi img - Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

Cảm nhận về bức tranh phố huyện lúc chiều tà trong truyện ngắn Hai đứa …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *