Đề bài: Cảm nhận của em về đoạn thơ miêu tả bức tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu.
Bài làm
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn!”
Đúng như lời hai câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên, bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu cũng tồn tại một mảnh đất trung du đã hóa thành tâm hồn dạt dào tình nghĩa yêu thương của Tố Hữu. Đặc biệt, trong đoạn thơ trích từ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên tựa như bức tranh tứ bình, từ đó cho thấy điểm tựa của sức sống thiên nhiên và con người nơi Việt Bắc, ấy chính là sự hòa quyện, gắn bó tuyệt đối.
“Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, vì thế nhà thơ luôn nói tình cảm chính trị bằng giọng điệu tâm tình, tha thiết, chân thật. “Việt Bắc” là đỉnh cao của sự nghiệp thơ Tố Hữu nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Cả bài thơ là một niềm hoài niệm thiết tha tuôn chảy từ mạch ngầm những năm tháng nơi chiến khu Việt Bắc gian khổ nhưng đẹp đẽ, hào hùng. Nhớ về những ngày kháng chiến “mười năm năm ấy”, Tố Hữu không khỏi giấu đi sự tự hào về cả thiên nhiên và con người Việt Bắc. Khi thể hiện vẻ đẹp thân thuộc nhưng hùng vĩ của Việt Bắc, Tố Hữu đã dồn bút lực vào trong đoạn thơ tạo nên ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đoạn thơ miêu tả thiên nhiên đẹp muôn màu muôn vẻ trong tứ bình với đầy đủ bốn mùa xuân – hạ – thu – đông.
Mở đầu đoạn thơ, tác giả tóm gọn nội dung hình ảnh và cảm xúc chủ đạo:
“Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
Câu thơ sử dụng cấu trúc mình – ta mà Tố Hữu đã vận dụng tài tình xuyên suốt bài thơ như một cách để tạo nên sự gắn bó khăng khít giữa các chủ thể trữ tình. Chữ “ta” lặp đi lặp lại kết hợp với gieo vần “a” tạo nên âm hưởng ngân vang, nhẹ nhàng, sâu lắng. Một câu hỏi “có nhớ” đã gợi lên biết bao điều! Đó là thiên nhiên Việt Bắc ẩn sâu trong hình ảnh “hoa”. Đó là con người Việt Bắc tài hoa, nghĩa tình, kiên cường. Đặt “hoa” với “người” trong thế tương xứng, tác giả đã gọi tên tất thảy những gì thuộc về Việt Bắc và nâng cao hơn nữa sự hài hòa của con người và thiên nhiên Việt Bắc. Nét đẹp và sự hài hòa ấy được làm rõ trong những câu thơ tiếp.
Tố Hữu bắt đầu bằng những nét vẽ rất đặc trưng của mùa đông Việt Bắc:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Một khu rừng rậm hoang sơ, xanh trầm mặc xuất hiện bông hoa chuối đỏ. Xưa nay người ta nhắc tới mùa đông là nhắc về tuyết, gió rít, sương giá, khô nhám… Ngược lại, nhắc tới màu đỏ, ta nghĩ nhiều về mùa hè có cành phượng vĩ rực nắng, bông hoa lựu như “phun thức đỏ” mà Nguyễn Trãi nói tới trong bài “Cảnh ngày hè”. Song, Tố Hữu chọn màu đỏ của bông chuối như một cách để làm ấm không gian, khắc họa một Việt Bắc mặn mà tình nghĩa. Còn con người trên không gian ấy đang lên nương làm rẫy, trên lưng gài con dao nhỏ lóe sáng cả một vùng. Thiên nhiên kì vĩ, con người cũng hùng tráng lạ thường!
Xuân tới. Mùa xuân Việt Bắc cũng hòa vào mùa xuân của đất trời Việt Nam. Trăm hoa cũng đang đua nở:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Màu xanh của rừng nhường chỗ cho sắc trắng tinh khiết của hoa mơ. Điều kì diệu ở đây là Tố Hữu đã dùng từ “trắng rừng”. Ta có cảm giác như hàng ngàn bông hoa mơ gọi nhau nở rộ, màu trắng lần lượt tràn từ cây này sang cây khác, phủ kín cả cánh rừng. Ở đó, con người hiện lên trong vẻ đẹp cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo thông qua từ “chuốt”. Từ bàn tay tài hoa của con người, những sợi giang làm nên chiếc nón nghĩa tình và các vật dụng khác để gửi ra tiền tuyến. Đó cũng chính là phẩm chất con người Việt Bắc.
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Mùa hè sang trong âm thanh rộn rã của tiếng ve khiên Việt Bắc trở nên sống động hơn bao giờ hết. Thời điểm tiếng ve đầu tiên cất lên cũng là lúc hàng ngàn bông hoa phách trổ bông, nhuốm màu vàng tươi rói cho cánh rừng. Từ “đổ” diễn tả trạng thái thay đổi nhanh chóng, kì diệu đến kinh ngạc của thiên nhiên.
Trên thiên nhiên Việt Bắc vàng óng ấy, con người trong trạng thái “hái măng một mình”. Tuy rằng “một mình” đấy, nhưng sự tràn trề của sắc màu, âm thanh và tiếng gọi thân thương “cô em gái” ngược lại cho thấy chất trữ tình, gần gũi, thơ mộng hơn là nét cô liêu, hiu hắt.
Cuối cùng, bức tứ bình khép lại trong mùa thu hòa bình:
“Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Ở đây, cụm từ “trăng rọi hòa bình” gợi lên nhiều liên tưởng. Đó có thể là ánh trăng sáng mùa thu rọi xuống khu rừng tạo nên nét hiền hòa, an lạc. Ta cũng có thể hiểu là ánh trăng sáng rọi chiếu xuống khu rừng đang thái hòa, yên ấm. Trăng là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, Tố Hữu nhắc đến ánh trăng trong vẻ đẹp hòa bình khiến cho thiên nhiên Việt Bắc sáng bừng sức sống. Con người trong ánh trăng tự do đang “hát” khúc hát ân tình và khúc hát thủy chung. Tiếng hát của con người Việt Bắc cũng là tiếng hát của toàn thể dân tộc Việt Nam luôn yêu đời, lạc quan và trân trọng tình nghĩa. Ấy cũng là tiếng hát thắng trận, tiếng hát mừng tự do, độc lập sau những năm dòng kháng chiến gian lao.
Tóm lại, đoạn thơ trên với thể thơ lục bát, vừa dân dã vừa kì ảo, nhịp điệu hài hòa cùng cụm “mình” – “ta” và điệp từ “nhớ” đã tạo nên chất thơ, chất họa, chất nhạc và chất tình. Qua đó, Tố Hữu đã bày tỏ niềm tự hào về thiên nhiên, con người Việt Bắc cũng như tính dân tộc sâu sắc.
Hoài Lê