Home / Văn mẫu / Văn mẫu lớp 8 / Em hãy thuyết minh về cây bàng

Em hãy thuyết minh về cây bàng

Đề bài: Em hãy thuyết minh về cây bàng.

Bài làm

Thuở nhỏ chúng ta thường nghe câu “Cây bàng có ma, cây đa có thần”, vì thế cây bàng trong tâm tưởng mỗi đứa trẻ như một thứ gì có ma mị, kì ảo lắm. Thế nhưng, nếu phân tích kĩ, ta sẽ thấy cây bàng không chỉ có nhiều lợi ích mà còn là loài cây rất “nhạy cảm”. Hãy cùng tôi đi tìm hiểu cây bàng nhé!

Bàng là loại cây thân gỗ lớn thường sống ở vùng nhiệt đới. Nước ta với khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng rất thích hợp cho bàng phát triển. Bàng được trông ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong các trường học hay dọc ven đô thị. Vì vậy, không chỉ ở thôn quê, các thành phố cũng trông rất nhiều bàng. Ở miền Nam có địa danh thị trấn Trảng Bàng, bởi vùng này bàng mọc tự nhiên rất nhiều.

em hay thuyet minh ve cay bang - Em hãy thuyết minh về cây bàng
Em hãy thuyết minh về cây bàng

Bàng có tán lá mọc thẳng, đối xứng và các cành nằm ngang. Thân bàng mọc thẳng, có thể mọc cao tới 35m. vỏ cây xù xì, khô khốc, nứt nẻ. Lá bàng thường có hình trái trứng, to cỡ 2 bàn tay. Dọc lá bàng có nhiều đường gân hình xương cá. Bàng cũng là loài cây có hoa và có quả. Hoa bàng có màu trắng ngà, tròn, nhỏ li ti, kết thành chùm dài. Quả bàng thuộc loại quả hạch dài 5–7 cm, khi non có màu xanh lục, sau đó ngả sang màu vàng và cuối cùng có màu đỏ khi chín.

Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, bàng thay đổi liên tục. Mùa xuân bàng cũng như các cây khác nhú chồi non, xanh nõn nà tô điểm sắc xuân. Mùa hè bàng xanh um, lá mọc dày đặc, đan xen phủ kín một khoảng trời. Cuối hè bàng trổ hoa, những bông hoa trắng li ti rụng đầy gốc đưa hương thơm thoang thoảng, thanh dịu. Khi thu chính thức đến quả bàng đã xanh ngắt tự lúc nào. Từng chùm quả đong đưa theo gió. Quả bàng chín vàng lác đác rụng đầy sân thu hút các loài chim tới ăn quả. Và khi quả bàng rụng hết, lá cũng chuyển đỏ như báo hiệu thu sắp đi qua. Lá bàng đỏ sắc đỏ không rực rỡ như lá phong mà đốm xanh, đốm vàng, đốm đỏ rất đặc trưng. Lá bàng rụng hết vào mùa đông tựa như nàng công chúa bước vào giấc ngủ dài, tích lũy nguồn sống chờ gió xuân về trao nụ hôn nhẹ đánh thức nàng “tỉnh giấc”. Ai có thể ghét nổi thứ cây đa sắc thái đến vậy đây?

Hơn ai hết, bàng quen thuộc với mỗi học sinh chúng ta. Dưới tán cây bàng, chúng bạn chơi ô ăn quan, chắt chuyền, cờ vây… Dưới tán bàng tụi nhỏ học bài, chữ a chữ ô… bằng giọng nói trong veo. Học sinh còn tụ tập tán chuyện, chia nhau mấy thức quà vặt từ cái kẹo mút, thanh ô mai, mảnh quế… cũng ngay dưới tán bàng. Bàng gợi nhớ biết bao kỉ niệm của một thời cắp sách tới trường. Không những thế, cây bàng còn là nơi “trốn nắng” của các bác nông dân mỗi khi làm đồng mệt mỏi.

Tác dụng đáng chú ý nhất của bàng đó là cho gỗ. Gỗ của cây bàng có màu đỏ, rắn chắc và chống thấm nước khá tốt. Quả bàng có thể ăn được, vị hơi chua. Hạt bàng thì dùng làm nguyên liệu để chế biến thành mứt.

Bàng còn có tác dụng chữa bệnh ít ai biết tới. Vỏ thân cây bàng được sử dụng trong y học cổ truyền. Người ta cũng dùng các lá bàng rụng làm thuốc chữa một số bệnh liên quan tới gan, bệnh lỵ và tiêu chảy, cảm sốt, viêm loét… thậm chí lá bàng có thể còn chứa các chất ngăn cản ung thư.

Phải, cây bàng có những đặc sắc riêng biệt, vừa thú vị, vừa huyền diệu. Tưởng như chỉ là loài cây bình thường, dân dã chốn thôn quê nhưng lại có rất nhiều lợi ích. Hơn nữa, cái quý của bàng chính là sự gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần con người. Tới đây, tôi chợt nhớ về bài thơ “Cây bàng” của thi sĩ Xuân Quỳnh:

“Cứ vào mùa đông

Gió về rét buốt

Cây bàng trụi trơ

Lá cành rụng hết

Chắc là nó rét!

 

Khi vào mùa nóng

Tán lá xòe ra

Như cái ô to

Đang làm bóng mát

 

Bóng bàng tròn lắm

Tròn như cái nong

Em ngồi vào trong

Mát ơi là mát!

A bàng tốt lắm

Bàng che cho em

Nhưng ai che bàng

Cho bàng khỏi nắng!”

Hoài Lê

Check Also

5247396 image 310x165 - Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu

Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ “Vào nhà ngục …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *