Đề bài: Em hãy thuyết minh về hoa mai.
Bài làm
Mỗi dịp xuân sang, có tới hàng trăm loài hoa “chen nhau” nở rộ, khoe sắc. Mai là một trong số đó. Với nét đẹp rất riêng và ý nghĩa tượng trưng đặc biệt mà hoa mai trở thành một trong những “quốc hoa” đại diện cho Tết truyền thống của Việt Nam.
Nền khí hậu nóng ẩm của nước ta rất phù hợp với điều kiện sống của cây mai. Mai của Việt Nam khá phổ biến và vô cùng đa dạng. Mai có ở khắp các vùng núi và đồng bằng miền Trung, miền Nam với nhiều giống khác nhau cả hoang dã và giống đã được thuần hóa. Ở các vùng sườn đồi, rừng núi, cao nguyên đặc biệt là vùng Tây Nguyên phổ biến loài mai vàng mọc hoang dã, thường được gọi là gọi là mai núi hay mai rừng. Ngoài ra, còn có loài mai khác như mai chủy cũng mọc nhiều trên rừng; trên các triền cát dọc khu rừng ven có giống mai động, mai sẻ, mai chùm gởi, mai tỳ bà (hay mai vương); loài mai thơm thường được trồng ở Bến Tre; các giống mai ngự, mai châu, mai cánh nhọn cũng mọc khá nhiều ở miền Trung; các khu rừng ở Cà Ná có mai rừng Cà Ná, mai liễu, mai đá… Trong số hàng trăm giống mai đó, giống mai vàng hay “mai nhà” được người Việt ưa chuộng hơn cả.

Mai là loài cây mảnh dẻ, thuần khiết, thanh cao. Thông thường, cây hoa mai có thể cao trên hai mét, chia thành nhiều nhánh nhỏ. Thân mai mềm. Lá mai nhỏ, xanh biếc. Hoa mai nở từng chùm, tươi rói, rực rỡ cả một khoảng không gian và đặc biệt rất lâu tàn. Với mai vàng, mỗi bông hoa thường có năm cánh, trường hợp cá biệt có thể nhiều hơn.
Mai thuộc loại khó trồng và cũng khó chăm sóc. Người ta thường trồng mai bằng cách chọn lựa những hạt giống chất lượng nhất đem ngâm nước một thời gian rồi gieo cấy vào đất ẩm. Mai ưa sống ở vùng ẩm, nhiều ánh sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy, người Việt thường trồng mai ở những nơi cao ráo kết hợp tưới nước thường xuyên. Ngoài ra, mai cũng được trồng cố định trong các chậu cảnh, song cần bón phân và thay đất hàng năm.
Cũng như hoa đào ở miền Bắc, mai vàng thường được các chủ sản xuất trồng thành một khu riêng, chuyên cung cấp nhu cầu mai ngày Tết. Muốn mai ra hoa đúng ngày Tết, chủ sản xuất luôn phải chú ý canh thời tiết và tỉa lá để mai tập trung nuôi hoa. Năm nào thời tiết nắng ấm phải tỉa lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm sẽ tỉa lá sớm hơn. Để phục vụ thị hiếu, mai vàng còn được cắt nhánh, uốn cành, tạo “thế” sao cho độc đáo, ý nghĩa. Tùy vào tuổi đời và “thế” mai mà định giá trị của nó. Người thích “chơi” mai sẵn sàng chi tiền tỉ để có cây mai đặc biệt “có một không hai”.
Mai tự bao giờ đã đi vào đời sống văn hóa và tâm linh người Việt. Những ngày tết đến, có chậu mai vàng đặt trong nhà là cả một niềm hân hoan, hạnh phúc. Bông mai vàng như mang cả bầu trời mùa xuân tươi mới, thanh sạch. Không khí Tết theo đó cũng ùa về cùng sắc mai.
Mai nằm trong nhóm “tứ quý” là tùng, cúc, trúc, mai. Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Theo quan niệm của người Việt, mai nở càng có nhiều cánh càng đẹp càng quý. Nhà nào có cây mai hoa nở 7 cánh, nhà đó sẽ “đại cát đại quý” trong năm đó. Thế nên, nhà thơ Đặng Minh Kính từng sáng tác một bài thơ riêng về hoa mai:
“Mỗi năm đơm nụ biết bao lần
Gốc già hoa lá vẫn thanh tân
Sớm mai thức dậy muôn vàng nở
Bàng hoàng ta tưởng cả trời xuân.”
(“Mai tứ quý”)
Mai cũng có phần nào đó mang bản chất của con người Việt Nam. Người xưa lấy cái khí phách thanh cao của mai tựa như người quân tử. Các nhà nho gặp thời loạn lạc thường coi mình như cành mai nở trong gió đông. Vóc dáng của hoa mai mang vẻ đẹp của người thiếu nữ đài các.
Mai vàng có thể không nồng nàn như hồng, dịu hương như cúc, thoang thoảng như đào, mai không hương nhưng luôn chứa đựng sắc hoa, sắc thần của văn hóa và con người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Hoài Lê