Đề bài: Biểu cảm về thầy (cô) giáo mà em yêu quý nhất.
Bài làm
Văn biểu cảm về thầy cô giáo mà em yêu quý – Chuyến xe muộn cuối ngày không kịp đưa em về gặp thầy lần cuối. Thầy ơi, giờ đây ở nơi nào đó xa xôi, thầy có được bầu bạn cùng vầng trăng, bến nước mà thầy vẫn ao ước hay không? Nhớ thầy Trịnh Sơn – người thầy mà em yêu quý nhất.
Trong quãng đời làm học trò, chúng ta được học qua bao nhiêu giáo viên khác nhau. Từ giáo viên mầm non đến tiểu học, trung học…; từ giáo viên dạy toán tới giáo viên dạy văn, dạy lịch sử địa lí, khoa học… nhưng em tin rằng thâm tâm ai cũng chỉ có một giáo viên nào đó là người soi sáng, dẫn lối, giúp ta thực sự nhận thức được bản thân và con đường đời sau này. Thầy Trịnh Sơn xuất hiện trong cuộc đời em như thế đấy. Nhờ có thầy, em đã trải qua bước ngoặt ngoạn mục và đúng đắn nhất của cuộc đời.
Hồi còn học Tiểu học, em gần như là con bé “nhiều miệng” nhất lớp. Trường học như một thế giới bí ẩn nhưng đầy thú vị như thế giới tí hon trong chuyện “Alice ở xứ sở thần tiên” vậy đó. Em có khát khao mãnh liệt được khám phá và tận hưởng tuổi thơ “dữ dội” dưới mái trường. Em hay ghẹo bạn Nam nhút nhát nhất lớp: “Con trai gì mà hơi tí là đỏ mặt, lêu lêu…” sau khi thấy bạn không trả lời được bài cũ phải đứng phạt trước lớp. Em giả vờ hỏi bài bạn Linh lớp phó học tập với một bài toán thật khó để cười nhạo bạn Linh chẳng giỏi giang gì. Rồi bạn ngồi cùng bàn em là “khổ” nhất vì cứ bị em lôi cuốn vào những câu chuyện không đầu không đuôi, khó mà tập trung học bài. Các thầy giáo, cô giáo đều khuyên bảo em rất nhiều. Thế nhưng, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi khi thầy Trịnh Sơn về trường dạy.
Văn biểu cảm về thầy cô giáo mà em yêu quý
Thầy Trịnh Sơn vốn đã nhiều tuổi, dạy học ở thành phố nhưng do tuổi tác đã cao nên thầy xin về địa phương dạy học cho yên bình trước khi thầy về hưu. Thầy chừng 50 tuổi, mái tóc muối tiêu, có tướng tá của một vị lãnh đạo trong quân đội. Thầy được giao phụ trách dạy môn mỹ thuật cho lớp em. Thầy không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn được kính nể bởi sự thông thái và khéo léo trong ứng xử với các mối quan hệ xã hội.
Em còn nhớ mãi buổi học đầu tiên mà thầy dạy là: “Vẽ ước mơ của em”. Cũng như những giờ học khác, em chỉ ngồi vẽ qua loa, rồi lại cười đùa, hết mượn cục tẩy rồi mượn cây bút màu để kiếm chuyện để nói với các bạn. Nhưng có một điều chắc chắn, rằng em đã vẽ ước mơ thực sự của mình. Em ước được làm giáo viên, đứng trên bục giảng nói về thế giới muôn màu muôn vẻ với những tri thức mênh mông vô cùng vô tận. Cuối giờ học, thầy Trịnh Sơn thu bài rồi nhận xét từng bài một. Cầm bài vẽ của em, thầy hỏi tác giả của bài vẽ. Em nhoẻn miệng cười: “Là em ạ”. Thầy im lặng, nhìn em bằng ánh mắt nghiêm nghị. Nụ cười vụt tắt trên môi, em ngồi nghiêm chỉnh lại, một dự cảm không hay trào dâng trong lòng. Cả lớp cũng im lặng. Thầy chậm rãi nói bằng giọng của một người đã trải qua mọi giông tố của cuộc đời: “Một người mà ngồi cười vô tư trong khi người khác đang tập trung học tập và làm việc sẽ không thể trở thành một giáo viên tốt.”. Câu nói của thầy cứ vang mãi trong tâm trí em suốt nhiều buổi học sau này. Em đã dần thay đổi và từ bỏ thói xấu đó. Chính là nhờ có thầy, em đã và đang đi đúng con đường dẫn tới ước mơ của mình. Năm đó không có bài học sâu sắc ấy, có lẽ em đã không học tốt như thế này.
Ngày hôm nay, tuy người thầy đáng kính ấy đã đi xa nhưng thầy sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ học trò. Lời dạy của thầy là bài học cuộc sống mà em sẽ còn vận dụng nó trong suốt cả cuộc đời.
Tấm lòng những người thầy, người cô luôn cao cả và thiêng liêng. Học sinh chúng ta nên học tập và rèn luyện thật tốt để không phụ tâm huyết của những giáo viên đáng kính.
Hoài Lê