Đề bài: Biểu cảm về cây bàng mà em yêu quý nhất.
Bài làm
Biểu cảm về cây bàng – Trong cuộc sống, con người luôn hướng về Chân – Thiện – Mỹ. Vì vậy, con người thường thích những thứ đẹp tươi, mới mẻ. Có bạn thích hoa hồng rực rỡ, có bạn yêu mai vàng sáng tươi. Có bạn thích bưởi cho trái ngọt, có bạn yêu hương mít nồng nàn. Với em, loài cây em yêu quý nhất giản dị, hoa không hương, trái không ngọt nhưng giàu sức sống diệu kì – cây bàng.
Cây bàng ở Việt Nam rất phổ biến, từ miền xuôi tới miền ngược, từ thành thị tới nông thôn. Bởi cây bàng dễ sống, dễ thích nghi lắm. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm như nước ta, bàng lại càng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Bàng thân thuộc với mỗi chúng ta, thân thuộc tới mức dù là mấy đứa trẻ ở thành phố hay người miền biển xa xôi không ai là chưa từng một lần nhìn thấy cây bàng. Trên các con phố hàng cây bàng chạy dài tăm tắp. Ở mỗi trường học, góc thôn, cuối xóm đều có sự hiện diện của cây bàng. Ngay cả những cánh đồng mênh mông, cứ nút giao mỗi cánh ruộng trên với cánh ruộng dưới đều trồng một cây bàng lớn. Tại đó, cứ mỗi khi làm đồng mệt mỏi, người nông dân ngồi dưới gốc bàng nghỉ ngơi, ngắm nhìn đất trời, mong ông trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bàng che chở cho người nông dân như thế đấy.
Đầu làng em có một cây bàng già ở cạnh giếng. Làng nào làng nấy đều thân thuộc với “cây đa, giếng nước, sân đình”, duy có làng em là có cây bàng. Cây bàng già không biết tự bao giờ đã ở đó, khắc sâu trong tâm trí và tuổi thơ em.
Những ngày bé, em cùng mấy đứa bạn hay lấy gốc bàng làm địa điểm hẹn hò, tụ tập. Tán bàng rộng, xòe tròn như chiếc ô xanh vĩ đại bảo vệ chúng em khỏi nắng hè bỏng rát. Trò trốn tìm, đuổi bắt, ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu… biết bao nhieu là trò vui của năm tháng xưa cũ. Bàng chứng kiến tất cả, bàng tham gia cuộc chơi cùng chúng em, bàng như người bạn già. Thi thoảng như phật ý, bàng rụng trái chín xuống, rơi cái “bốp” vào lưng chúng em như là ghen tỵ, giận dỗi điều gì đó. Bàng trẻ con mà tinh nghịch. Nhặt nhạnh vài quả bàng chín vàng, cắn một miếng như thấm thía hết cái vị chan chát, ngòn ngọt còn đọng mãi nơi đầu lưỡi.
Những ngày thu, bàng cũng mang cái vẻ thơ mộng, lãng tử lắm. Mỗi cơn gió ào qua, bàng đổ trận mưa hoa trắng. Hoa bằng trắng đục, li ti, không hương, chẳng sắc mà sao lại tạo nên khung cảnh trữ tình nên thơ đến thế. Trận mưa hoa bàng như tuyết trắng, lấm tấm đọng lại trên mái đầu bà ngoại trên đường đi chợ về, trên chiếc xe chở đầy thóc chín vàng, trên lòng bàn tay bé xinh của em… Khi sắp vào đông, lá bàng chuyển màu đoe, màu vàng, màu lục… như là bác họa sĩ nào đấy chỉ chấm phá vài mảng màu mà sao lại sống động đến thế. Lá bàng rụng nhè nhẹ như là tiếc nuối gì đó chưa muốn lìa cành. Bốn mùa bàng thay đổi liên tục, đa sắc thái cho thấy đặc trưng linh hoạt của một loài cây vốn đã bình dị mà sao vẫn có cái đẹp riêng.
Loài cây mà em yêu quý ấy có lẽ thân thuộc với học sinh hơn cả. Trường nào chẳng có vài ba cây bàng. Cây bàng, cây phượng, cây xà cừ… như là một phần không thể thiếu trong quãng thời gian cắp sách tới trường.
Thuở nhỏ chúng ta thường nghe người ta truyền tai nhau câu “Cây bàng có ma, cây đa có thần”. Trong tâm tưởng mỗi đứa trẻ, cây bàng có gì đó như là ma mị, kì ảo lắm, linh thiêng lắm. Thế nên, con người tôn trọng cây bàng như một vật thần thiêng.
Cây bàng đâu chỉ gắn bó mà chính trong nó còn có nét đẹp của con người Việt Nam. Con người Việt Nam lam lũ, giản dị, nghèo khó nhưng cần cù, biết sống hài hòa với mọi môi trường khác nhau và giữ trong mình những “hạt ngọc chân quý”, tâm hồn thanh khiết, thẳng ngay.
Mỗi khi đi xa, đâu đó em bắt gặp hình ảnh cây bàng lá đỏ, bỗng cả một bầu trời tuổi thơ như ùa về, ngọt ngào và thiêng liêng.
Hoài Lê